Tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(NTO) Đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại 48 tỉnh, thành trên cả nước, với gần 50.000 ca nhiễm bệnh, trong đó có 17 người tử vong. Đặc biệt tình hình dịch bệnh tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum hết sức nghiêm trọng. Riêng tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận có 395 ca mắc, tăng 25 ca so với cùng kỳ, lưu hành tại 48 xã, phường. Trước tình hình đó, Sở Y tế đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH.

Số ca mắc SXH tập trung tại các huyện, thành phố: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 133 ca, huyện Ninh Phước 130 ca, Ninh Hải 59 ca… Riêng đối với huyện Ninh Phước có 4 xã có số mắc SXH cao: Phước Thuận 29 ca, Phước Dân 24 ca, Phước Hậu 19 ca, Phước Hải 18 ca. Ngoài ra, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) có đến 21 ca mắc bệnh. Điều đáng nói là mặc dù số ca SXH gia tăng, nhưng nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phòng bệnh. Nhiều hộ gia đình có thói quen trữ nước sinh hoạt nhưng chưa có ý thức vệ sinh dụng cụ chứa nước thường xuyên; chưa phát hiện được các dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước có lăng quăng; chưa vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để loại bỏ triệt để ổ lăng quăng tại gia đình, đây chính là điều kiện để muỗi phát triển và truyền bệnh.

 
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Y tế dự phòng đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ tình hình dịch tể, phát hiện các ca bệnh mới; hàng tháng tiến hành điều tra chỉ số côn trùng, trên cơ sở đó có kế hoạch phun hóa chất tại những nơi có bệnh lưu hành, địa phương có mật độ muỗi cao, tránh để bùng phát thành dịch trên diện rộng. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo cho các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Hiện đang là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa mưa, cộng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự hạn chế về ý thức của nhiều người dân, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là hoàn toàn có thể. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tích cực diệt lăng quăng tại hộ gia đình. Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu ở vùng trán, sau nhãn cầu… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà, tránh tình trạng bệnh càng nặng, không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.