Vấn đề hôm nay:

Nhận rõ để khắc phục!

(NTO) Theo thống kê, chỉ tính qua 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 195 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người, bị thương 234 người. So với cùng kỳ năm trước đã giảm được 2 tiêu chí quan trọng đó là giảm 3 vụ (1,51%), giảm 3 người chết (6,38%), riêng tiêu chí người bị thương tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có đến 7 vụ (đường bộ 5 vụ, đường sắt 2 vụ) TNGT xảy ra do người đi bộ băng qua đường nhưng thiếu chú ý quan sát. Không những vậy, trong những vụ TNGT nghiêm trọng thì đối tượng gây tai nạn thường ở độ tuổi từ 27 đến 55, và theo đó số người chết cũng tỷ lệ thuận với số vụ trong nhóm tuổi này. Theo đánh giá chung, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tiếp tục diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là trên tuyến QL1 đã xảy ra 21 vụ TNGT, tăng so với năm trước...

Lực lượng CSGT Tp.Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra xử lý vi phạm về ATGT. Ảnh: Anh Tuấn

Nguyên nhân chủ yếu, “trầm kha”, chậm được khắc phục vẫn là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn kém, thiếu tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc giao thông như sử dụng rượu, bia quá nồng độ nhưng vẫn điều khiển phương tiện; điều khiển mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, lấn chiếm phần đường, làn đường; thiếu chú ý quan sát khi qua đường, đi ngược chiều. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm chưa được khép kín, có thời điểm không tập trung; việc xử lý vi phạm có lúc chưa quyết liệt nên thiếu tính răn đe. Mặt khác, có thể nói trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu quyết liệt bằng các giải pháp thật sự hiệu quả. Chỉ riêng việc tổ chức kiểm điểm đối tượng vi phạm ATGT khi được thông báo về địa phương cũng chưa thực hiện nghiêm túc; đồng thời sự tham gia, phối hợp vào cuộc của các đoàn thể chưa đồng bộ nên chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ để góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông. Được biết, thời gian qua, tại một số đoạn trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh, tình trạng người dân liên tục tháo dỡ các tấm chống lóa để băng qua đường, gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trật tự ATGT. Không ít trường hợp TNGT xảy ra liên quan đến vấn đề này...

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả TNGT trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mới đây, Chính phủ đã thẳng thắn gọi tình hình TNGT là “quốc nạn” và chỉ ra 9 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm họa này. Trong đó nguyên nhân đầu tiên, chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về TTATGT của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn rất kém; trong khi đó, các cấp ủy Đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với lĩnh vực công tác này. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là do nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm ATGT chưa thực sự quyết liệt, chưa tập trung giải quyết các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ… Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội cũng được Chính phủ đánh giá là nguyên nhân gây ra “Quốc nạn” về TNGT. Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tính răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm cũng là nguyên nhân góp phần làm cho tình hình TNGT thêm trầm trọng...

Một trong những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT trong cả ATGT và chống ùn tắc giao thông đó là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, coi đây là biện pháp giáo dục hữu hiệu nhất. Cùng với đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT, vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính…

Có thể nói, việc nhận rõ những hạn chế để quyết tâm khắc phục có hiệu quả đã trở thành “mệnh lệnh” từ thực tiễn đặt ra. Vấn đề còn lại là trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và ý thức chấp hành của người dân.