Hành lang bảo vệ bờ biển - Một phương thức mới trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

(NTO) Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều, được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Luật được ra đời trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tích cực thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Việc thiết lập HLBVBB phải tuân theo các nguyên tắc: Căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập HLBVBB quy định tại Khoản 1, Điều này; bảo đảm tính khoa học, khách quan, hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng-an ninh; xác định rõ chỉ giới HLBVBB ở các khu vực thiết lập HLBVBB; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập HLBVBB; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

 
Bờ biển Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) nguồn tài nguyên quý giá của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý HLBVBB thuộc phạm vi quản lý. Quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, bảo đảm HLBVBB được thiết lập sát với tình hình thực tế tại địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển. Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong HLBVBB…

Đối với tỉnh ta, là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với bờ biển dài hơn 105km, là trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná… cùng các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú, cùng với điều kiện khí hậu đặc thù thuận lợi cho phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế biển như: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nuôi trồng, khai thác hải sản; sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn; phát triển năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời; xây dựng cảng nước sâu; phát triển công nghiệp ven biển; đồng thời, có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước trong việc bảo vệ an ninh quốc gia vùng ven biển và trên biển. Do đó, việc thiết lập HLBVBB trong phạm vi của tỉnh là vô cùng cần thiết.

Hiện tại, hiện trạng sử dụng đất của tỉnh tại vùng ven biển trong giới hạn dự kiến xây dựng HLBVBB chủ yếu sử dụng vào các mục đích như bảo tồn và phát triển rừng; kinh doanh dịch vụ, du lịch ven biển, trồng cây nông nghiệp; làm muối; nuôi trồng thủy hải sản; xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động bảo vệ, phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân sống tại khu vực ven biển (do Nhà nước đầu tư). Với thực tế sử dụng đất so với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của các huyện và thành phố ven biển được UBND tỉnh phê duyệt, cho thấy công tác quản lý đất đai cơ bản thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Các dự án đầu tư xây dựng tại vùng ven biển đang hoạt động và chuẩn bị triển khai theo chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi đăng ký đầu tư đều được các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra cụ thể về mặt quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để đảm bảo việc thiết lập HLBVBB được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định, thiết nghĩ UBND tỉnh cần quan tâm thực hiện xây dựng dự án thực hiện nhiệm vụ “Thiết lập HLBVBB trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; trong đó, thực hiện lập Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB; quan tâm đến việc lấy ý kiến tham vấn đối với các ngành, các cấp và Nhân dân trong việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, cũng cần thực hiện tổ chức công bố HLBVBB trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản đồ thể hiện ranh giới HLBVBB phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn có biển nơi có HLBVBB và tại khu vực HLBVBB được thiết lập, để đảm bảo việc thiết lập HLBVBB được thiết lập phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội-tự nhiên của tỉnh và đúng quy định của pháp luật.