Bộ khung sắt di động

(NTO) Đêm, trên một đường phố chính nội thành, người phụ nữ chở cháu bé tham gia giao thông, chị giữ đúng làn đường của mình, sát lề phải với tốc độ chậm thì phía sau có tiếng rú ga, rồi… vèo một cái, “hình dạng” của một chiếc xe hai bánh đánh võng trên mặt đường với tốc độ chóng mặt, va quẹt vào xe đi trước và… vọt thẳng. May phước, hai mẹ con ngã sóng soài vào trong lề, chỉ trầy xước nhẹ… Chiếc xe gây ra tai nạn được người dân gọi là “hình dạng” vì thực tế không biết gọi sao cho đúng, bởi nó đâu phải là chiếc xe hai bánh hoàn chỉnh! Này nhé, các bạn cố gắng chịu khó hình dung một tí, cái được gọi là… “xe” thực chất chỉ là một… bộ khung sắt được gắn máy nổ và hai bánh, không dè, bửng, bảng số đăng ký, kèn, đèn… Trong đêm, chỉ thấy như một mớ phế liệu, thậm chí trụi lủi như con gà bị vặt trụi lông phóng ào ào trên đường phố như “hung thần xa lộ”, mà không gặp… một trở ngại nào. Hình như bộ khung di động này luôn “đánh hơi” được Cảnh sát giao thông ở hướng nào để mà tránh, hay… như thế nào đó không rõ, cứ thế mà chúng cứ thoải mái tham gia giao thông một cách vô tư trên địa bàn này vài ba năm trở lại đây!

Chưa ai thống kê chính xác, nhưng hiện nay, loại “xe” này có rất nhiều ở thành phố chúng ta. Người đi đường nghe tiếng rú ga, nẹt “pô” từ xa, chỉ biết đi sát vào lề để bảo toàn tính mạng. Kinh khủng quá! Nghe nói… có khi gây tai nạn ở các nơi vắng vẻ, các “giặc lái” bèn… “bỏ của chạy lấy người”, cơ quan chức năng khó khăn lắm mới tìm ra tông tích. Nghĩ mà khiếp!

Tôi cũng có dịp nói chuyện với anh bạn công tác ở ngành “quản lý” giao thông, bạn than thở: Loại “xe” này hiện tại nhan nhản khắp thành phố, điều khiển chúng là các cháu chưa đủ tuổi, hoặc chưa có bằng lái xe hai bánh theo quy định, xe lại không có giấy tờ đăng ký, rõ khổ! Ngành chức năng hễ mà kiểm tra giao thông trên đường thì có đến 90% là vi phạm. Ở một số huyện miền núi, loại “xe” này còn hoạt động bát nháo hơn, vận chuyển lâm sản trái phép, với suy nghĩ của chủ “xe”, bị tịch thu là coi như… bỏ luôn vậy. Từ ngữ thời thượng gọi là “hên xui”! Thế mới thấy, một số người xem thường mạng sống của đồng loại, một hành động mà cộng đồng đang lên án.

Chiều nay, đi bộ thể dục quanh lối xóm, nghe các vị cao tuổi tâm tư như thế, trong lòng cũng thấy khó chịu… Mong sao các ngành chức năng, các nhà quản lý giao thông có những giải pháp để làm giảm bớt các “hung thần” trên đường phố. Và sau cùng, cộng đồng dân cư chỉ mong sao các vấn nạn xã hội nói trên được hạn chế, chứ không có tham vọng cao xa là chấm dứt hay xóa bỏ triệt để. Xem ra cũng còn quá khó!