Ninh Phước:Tìm hướng đi mới cho cây nho, táo

(NTO) Ninh Phước là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây trồng nông nghiệp. Phát huy lợi thế này, vài năm trở lại đây, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh trồng lúa giống, bắp lai, rau an toàn…, huyện Ninh Phước còn vận động nông dân tập trung phát triển 2 loại cây trồng: nho, táo với tổng diện tích hiện có gần 1.100 ha.

Trong thực tế, Ninh Phước từng được biết đến là địa phương có diện tích trồng nho và táo lớn nhất của tỉnh. Vùng trồng nho, táo của huyện tập trung chủ yếu ở các xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Vinh, An Hải và thị trấn Phước Dân… Đây là 2 loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao, nên có rất nhiều nông hộ đang đầu tư mở rộng diện tích. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã trồng mới thêm được 33ha nho, nâng diện tích hiện có lên 415,6 ha. Đối với cây táo, tổng diện tích hiện có 667 ha, giảm 6,2% so với cùng kỳ là do gần đây, giá táo khá bấp bênh, nguồn thu mua không ổn định, sản phẩm táo đòi hỏi chất lượng cao hơn. Mặt khác, một phần diện tích táo qua nhiều năm cho thu hoạch đến nay đã bị già cỗi phải chặt bỏ. Bù lại, những diện tích táo trồng mới khoảng 3-4 năm trở lại đây cho năng suất khá cao, ước đạt từ 70-80 tấn/ha/năm.

 
Ông Bùi Ngọc Quảng, thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh) tận dụng lá táo làm thức ăn cho đàn dê.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Giống nho đang được trồng trên địa bàn tỉnh ta nói chung và huyện Ninh Phước nói riêng chủ yếu là NH01-48 (sản xuất 2 vụ/năm) và Cardinal (từ 2,5 đến 3 vụ/năm). Nếu được chăm sóc đúng quy trình, chất lượng nho xanh NH01-48 đạt khá cao và không kém gì nho đỏ Úc, với năng suất bình quân đạt từ 15,5-17 tấn/ha; còn giống nho Cardinal có năng suất bình quân từ 14,5-16 tấn/ha. Qua thu hoạch của các nông hộ cho thấy, với 1 sào nho xanh, sau khi thu hoạch có giá bán dao động từ 20.000 đồng – 35.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ. Đối với táo xanh, ưu điểm của loại cây này là kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ sau một năm kể từ ngày trồng là cây táo có thể cho thu hoạch, tuổi thọ khai thác của cây táo lên đến trên 10 năm và cho thu hoạch đến 2 vụ/năm.

Dựa vào lợi thế và ưu điểm của 2 loại cây trồng này, nhiều nông dân đã kết hợp phát triển trồng nho, táo với chăn nuôi dê, cừu rất hiệu quả. Cái hay của mô hình này là ngoài việc tận dụng lá và trái nho, táo bị hư làm thức ăn cho gia súc, phân của gia súc còn được sử dụng bón lại cho cây, nên năng suất khá cao và thực tế đã có không ít nông hộ nhờ vào mô hình này mà vươn lên làm giàu. Ông Bùi Ngọc Quảng (thôn Phước An 1, xã Phước Vinh), chia sẻ: Năm 2008, thấy một số bà con trong xã trồng cây táo cho năng suất cao, tôi đã chuyển 5 sào đất màu của mình sang trồng táo, kết hợp nuôi thêm 20 con dê sinh sản và 10 con dê lấy thịt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn táo và đàn dê phát triển khá tốt, trung bình mỗi năm vườn táo cho thu hoạch từ 35 -40 tấn, công với bán thêm dê, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

 
Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) phân loại táo trước khi bán cho thương lái.

Điểm đáng ghi nhận nữa là để giúp nông dân nâng cao kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm nho và táo sạch, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, huyện Ninh Phước đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đầu tư mở rộng mô hình sản xuất nho, táo đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích hiện có gần 47,5ha nho và 19,2ha táo. Không những vậy, địa phương còn vận động bà con phát triển thêm mô hình sản xuất nho kết hợp với du lịch sinh thái vườn, góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc thù của địa phương rất hiệu quả, trong đó điển hình có trang trại nho Ba Mọi.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nho và táo mạng lại, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của địa phương, huyện Ninh Phước đã xác định đưa 2 loại cây trồng này trở thành một trong 5 loại cây trồng chính để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh. Để thực hiện có hiệu quả hướng đi này, huyện tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất, đăng ký thương hiệu, cho đến tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, huyện tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, để chuyển dần từ sản xuất nho, táo tươi sang chế biến rượu vang nho, sơ chế nho khô, táo khô…, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp với Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố để chuyển giao quy trình kỹ thuật và vận động nông dân chuyển dần sang trồng giống nho mới NH01-152 (đặc điểm của giống nho này thích nghi tốt điều kiện khí hậu khô hạn ở địa phương, ít hạt (từ 1-2 hạt/quả), độ đường cao, mùi vị đặc trưng, khi chín có màu đỏ tươi rất bắt mắt, năng suất bình quân đạt tới 25 tấn/ha/vụ) thay thế dần các giống nho đang có những biểu hiện thái hóa. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện phát triển diện tích cây nho lên khoảng 447 ha; cây táo trên 700 ha, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.