Vụ Formosa đặt ra tiền lệ mới cho công tác quản lý môi trường

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng sự cố Formosa đã đặt ra tiền lệ mới đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.

Cùng với đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành các bước xử phạt sai phạm về môi trường của Công ty Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh. Đồng thời triển khai kế hoạch toàn diện từ thay đổi công nghệ đến hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải của Công ty Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh, xây dựng hệ thống hồ chứa sinh học bảo đảm chứa được nước thải trong 7 ngày trước khi xả ra môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng cho biết biết đến thời điểm hiện nay Công ty Formosa đã chuyển số tiền ban đầu là 250 triệu USD để thực hiện việc đền bù, bồi thường, khắc phục thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung.

Các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đánh giá mức độ ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể, nhằm phục hồi hệ sinh thái môi trường biển. Dự án giám sát quan trắc chất lượng môi trường biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đang được tích cực triển khai nhằm cung cấp thông tin người dân và giám sát chất lượng xả thải của các DN.

"Sự cố Formosa đã đặt ra tiền lệ mới đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy chuẩn, đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát sau khi đánh giá, cũng như việc thanh tra, kiểm tra", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương rà soát nâng cao tiêu chuẩn về môi trường, rà soát toàn bộ các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nặng. Ngay thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thanh tra chuyên đề các cơ sở sản xuất có mức xả thải 200-1.000 mét khối/ngày với nội dung thanh tra toàn diện từ đầu tư, đánh giá tác động môi trường, hoạt động hậu kiểm, kể cả công tác quản lý các cấp đến việc chấp hành của DN...

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường nhìn nhận Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững theo mô hình kinh tế xanh, ít carbon. Tuy nhiên việc thực hiện chiến lược, quy hoạch về tài nguyên, môi trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, lãng phí tài nguyên vẫn diễn ra có nơi, có lúc còn nghiêm trọng.

Thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường trên tinh thần phản biện đến cùng từ chủ trương chính sách, pháp luật và các điều kiện thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch, công khai... trong đó, xác lập ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn môi trường, sử dụng công nghệ năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tích cực cải cách hành chính; áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý tài nguyên, môi trường, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí thải, nước thải, chất thải theo hướng tự động hóa, kết nối thông tin qua mạng...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết.

Nguồn www.chinhphu.vn