Nông nghiệp đang đứng trước những thách thức rất lớn

Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV chiều 29/7, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những việc cần phải làm đối với ngành nông nghiệp, đồng thời chia sẻ, nông nghiệp đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thách thức cơ bản mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là về tổng thể, nền nông nghiệp vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ với 12 triệu hộ nông dân, bình quân một hộ là 0,3 ha đất sản xuất... Chính điều này dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp, thu nhập của người nông dân không chỉ thấp hơn các nước xung quanh mà thấp hơn cả trong các khu vực khác của nền kinh tế nước ta.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Báo Lao động

Thứ hai, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và khắc nghiệt hơn so với kịch bản đã dự báo năm 2012. Khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã diễn ra khốc liệt suốt từ đầu năm ở hầu hết các vùng của đất nước, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Đặc biệt, ở thách thức thứ ba, tân Bộ trưởng đề cập tới việc “hội nhập sâu rộng đi cùng với yêu cầu thị trường mở rộng cả hai chiều”. Ở chiều xuất khẩu, yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh và liên tục đổi mới. Ở chiều ngược lại, đó là áp lực khi hàng ngoại tràn vào, trong khi khả năng cạnh tranh của chúng ta về nguồn tài nguyên, khoa học, trình độ công nghiệp hóa chưa cao. Đây là 3 thách thức rất lớn, mang tính sống còn, đòi hỏi phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp vào tháng 6/2013. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các ngành, các địa phương đều xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của mình và qua 3 năm thực hiện đã xuất hiện được những mô hình điển hình ở quy mô, ngành hàng khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các sản phẩm chính của nông nghiệp vẫn đang được sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp, bấp bênh về mặt tiêu thụ, giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt là tại những vùng trọng điểm đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với việc giải đáp nhiều nhóm câu hỏi cụ thể của ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay Bộ và các tỉnh đang phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế vùng gắn biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, Bộ cũng đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách căn cơ theo yêu cầu của tình hình sản xuất mới. “Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn dư địa để thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguồn www.chinhphu.vn