Ninh Phước với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

(NTO) Huyện Ninh Phước hiện có 3.118 đối tượng có công với cách mạng. Hằng năm, bên cạnh những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, huyện Ninh Phước đã huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công với cách mạng như: xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà dột nát, giúp đỡ người có công và thân nhân của họ khi gặp khó khăn…

 
Trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Ninh Phước.

Từ năm 2006 đến nay, huyện đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 2,3 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này, huyện đã phối hợp tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện xây mới 201 nhà, sửa chữa 186 nhà tình nghĩa... Ngoài ra các chế độ, chính sách ưu đãi trong giáo dục, mai tang phí, trợ cấp một lần, trợ cấp phương tiện, dụng cụ chỉnh hình đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hằng năm có khoảng 236 đối tượng người có công được thực hiện điều dưỡng luân phiên; thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất cho 25 gia đình người có công. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, huyện Ninh Phước đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 56/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 của Chính phủ, xác lập hồ sơ và được Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 89 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số trên địa bàn huyện đến nay là 152 Mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó có 2 Mẹ còn sống); giải quyết 202 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 536 người có công, 364 thân nhân liệt sĩ và 74 thân nhân người có công; giải quyết 1.008 hồ sơ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, với số tiền trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn giải quyết tốt chế độ cho các trường hợp thanh niên xung phong, quân nhân hoạt động tại chiến trường B, C, K… người bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian tham gia kháng chiến. Một hoạt động đầy ý nghĩa là phong trào “Đi tìm đồng đội”, trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm và quy tập được 43 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh với nghi thức trang trọng. Hằng năm, đều tổ chức các hoạt động hướng về các gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ như: tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; đoàn viên thanh niên tổ chức hành trình về nguồn, tổ chức thắp nến tri ân; thăm hỏi, tặng quà cho gia đình thương binh-liệt sĩ…Có thể nói, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn huyện trong những năm qua không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phát huy được sự chung tay của toàn xã hội tham gia, với phương châm Nhà nước, xã hội cùng chăm lo người có công. Từ đó đã trở thành nguồn lực thúc đẩy, động viên các gia đình thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng vươn lên, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước cho biết: Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), năm nay, huyện đã tổ chức cho thân nhân các liệt sĩ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tại Bình Thuận và Ninh Thuận; thành lập các đoàn tổ chức đi thăm, tặng quà cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; tổ chức dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ các xã, thị trấn và tổ chức họp mặt các gia đình thương binh-liệt sĩ. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện sẽ hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 13 gia đình chính sách, với kinh phí 260 triệu đồng…Thời gian tới, huyện Ninh Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng để họ có cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ hơn.