Nỗ lực đưa phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" góp phần xây dựng nông thôn mới

(NTO) Chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề…. Những năm qua, lực lượng nông dân tỉnh nhà với tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua, phát huy tốt vai trò tiên phong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Kiều Như Bổn
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (gọi tắt là Phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi) là 1 trong 3 phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong các cấp Hội Nông dân, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Phong trào đã có những đóng góp tích cực, to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 200.000 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua; qua bình xét, có gần 130.000 lượt hộ đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp. Trong đó, có 57 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương; 3.330 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, trên 28.250 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và gần 97.800 hộ đạt danh hiệu cấp cơ sở.

Hiệu quả mà phong trào mang lại đã có tác động hết sức tích cực đến nhiều khía cạnh, vấn đề, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà, thể hiện:

Trong quan hệ sản xuất, phong trào đã giúp nông dân thay đổi tư duy, biết liên minh, liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, nhóm sở thích; mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng mô hình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, quy trình sản xuất cây nho, táo... theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng quy mô sản xuất... Đây chính là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại.

 
Nhờ nguồn vốn của Agribank Ninh Phước, nông dân Nguyễn Văn Nhánh (thôn Long Bình 1, xã An Hải, Ninh Phước)
đã đầu tư mở rộng sản xuất,  tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Mai Dũng

Trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm chất lượng, an toàn, cung cấp hàng hóa sử dụng các thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đều thích nghi với điều kiện sản xuất của địa phương cũng như thích ứng với hạn hán và biến đổi khí hậu.

Phong trào đã tạo sự đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn đã chứng minh thông qua các hoạt động phong phú, sôi nổi của phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy trong cách làm ăn theo hướng tích cực, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, không chỉ tạo thu nhập, lợi nhuận cao, làm giàu cho chính mình, mà còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Thời gian qua, có 18.430 lượt hộ hội viên SX-KD giỏi giúp đỡ 7.900 hộ hội viên nông dân nghèo về vốn, giống, vật tư, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và đã có 1.735 hộ hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Các cấp hội đã vận động đóng góp gần 6 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 4.800 nhà ở cho hội viên nghèo.

Có được những kết quả trên đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ của chính quyền, các ngành và nhất là sự nỗ lực vượt khó vươn lên của nông dân, sự vào cuộc của các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát động, tổ chức, giới thiệu, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi mới, phương pháp canh tác, chuyển giao các kỹ thuật công nghệ mới có hiệu quả để nông dân biết và áp dụng. Ngoài ra, còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho trên 14.500 lượt hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 3.270 tỷ đồng; đồng thời từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Hội giúp cho trên 1.000 lượt hội viên vay vốn với tổng số tiền trên 25,1 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế và làm giàu. Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp, tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, góp phần nâng cao năng lực, tự tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nông dân.

Trên con đường phát triển, ngành nông nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh nhà nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức, vì thế đòi hỏi Hội Nông dân các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “ Nông dân thi đua SX-KD giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triễn. Để làm đạt được mục tiêu này, trong những năm tiếp theo, Hội Nông dân tỉnh thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến mà trọng tâm là phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hoá và phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và các hoạt động hỗ trợ nông dân giúp nông dân có thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động. Vận động nông dân phát huy truyền thống lao động, sáng tạo trong việc sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản…góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, thủy sản sạch, bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; vận động các hộ nông dân SX-KD giỏi có vốn, có kiến thức khoa học kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo làm ăn để cùng vươn lên làm giàu góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo.

- Vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình nông dân văn hóa...

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính quyền, sự tích cực phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của nông dân tỉnh nhà, thời gian tới, phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” sẽ có bước phát triển mới, cao hơn, toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.