XÃ LUẬN:

Tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”!

(NTO) Ngày 27-7-1947, ngày mà cách đây 69 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước: “ Là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” – lúc đầu gọi là “ Ngày thương binh toàn quốc”. Người từng căn dặn: “ Họ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi tên ngày “Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - liệt sĩ ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với tất cả những người đã “quyết tử” cho Tổ quốc “quyết sinh”. 

 
Đoàn viên thanh niên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh quây quần bên Mẹ VNAH Cao Thị Thiệt
chuẩn bị bữa cơm đầm ấm vui vẻ. Ảnh: Phan Hiếu

Hằng năm, cứ đến ngày 27-7, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân trong tỉnh lại sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ và coi đó là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc... Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 6.400 hộ thuộc diện chính sách, có gần 7.530 người có công với cách mạng. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm sâu sắc, cụ thể công tác đền ơn đáp nghĩa, ghi nhớ và tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình được thực hiện có kết quả. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, như lập quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,... và nhiều hoạt động nghĩa tình, thiết thực trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của Nhân dân. Cùng với huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những gia đình có công nói chung... tỉnh còn tạo nhiều điều kiện, khuyến khích gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn… Có thể nói, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên bằng ý chí và nghị lực, ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến sức mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ năm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thể hiện lòng “hiếu nghĩa, bác ái” sâu đậm nhất đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với  cách mạng. Và để mãi tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, mỗi người, mỗi nhà, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... trong tỉnh cần tiếp tục làm nhiều việc tốt, thiết thực ghi ơn và tri ân những người đã hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an sinh xã hội tỉnh nhà.