Vấn đề hôm nay:

Không đơn thuần là tai nạn!

(NTO) Vụ tai nạn xảy ra làm 2 du khách thiệt mạng, 4 người khác bị thương nặng và hàng trăm du khách đã phải một phen hoảng loạn tinh thần... từ “sự cố” chìm nhà hàng bè nổi tại vịnh Vĩnh Hy của Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một tàu đáy kính cũng thuộc công ty này chở du khách ra nhà hàng bè nổi nói trên đã va chạm vào nhà bè. Cú va chạm bất ngờ đã làm cho nhiều du khách đang ăn trưa mất tinh thần nên chạy dồn về một góc gây “quá tải” dẫn đến nhà bè bị nghiêng sập!.

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên các nạn nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

“Việc gì đến phải đến” như một số du khách đã từng đến các nhà hàng bè nổi không chỉ riêng ở Vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) mà còn ở nhiều nơi khác mà gần nhất là khu vực biển Bình Hưng. Không thể phủ nhận tính hấp dẫn của phần lớn các nhà hàng kiểu này trên biển bởi hải sản tươi sống bằng “tận mục sở thị”, cảm giác “bồng bềnh” trên sóng với mênh mông gió biển... không phải nơi nào cũng có, và du khách nào cũng được “thưởng thức” nếu không đến tận nơi để “thụ hưởng” một lần cho biết.

Chỉ có điều tính an toàn của các nhà hàng bè nổi này khó có thể nói là “tuyệt đối”, do một phần chủ bè cải tạo lại từ bè nuôi hải sản để làm nhà hàng; một số thì tự thiết kế, thi công theo ý muốn... miễn là nổi được trên biển còn tính toán sức chứa bao nhiêu người là đủ, thiết kế chống lật bè; định kỳ kiểm tra độ an toàn... gần như không được chú trọng. Cho nên, có dịp đến thì khi đi trên bè nơi gập ghềnh do ván sàn chắp vá, nơi thì mặt sàn cũ mục, nhất là khu vệ sinh thì nếu không “cứng chân” thì dễ té xuống biển như chơi do các chủ bè che chắn rất... “tiết kiệm”!.

Có thể nói, sự cố chìm nhà hàng bè nổi như đã nêu trên chẳng khác nào “giọt nước làm tràn ly”, hay nói khác hơn là tiếng chuông báo động về thực trạng mất an toàn ở các nhà hàng bè nổi trên biển mà đã không ít lần được cảnh báo qua công tác kiểm tra của lãnh đạo tỉnh nhưng việc chỉ đạo thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách vẫn chưa được đồng bộ, thường xuyên từ phía chính quyền địa phương, ngành chức năng liên quan và cả doanh nghiệp kinh doanh loại hình này. Nguyên nhân, trách nhiệm đã rõ và UBND tỉnh cũng đã có ngay quyết định xử lý là tạm thời “đóng cửa” việc kinh doanh tàu du lịch, nhà bè nổi tại vịnh Vĩnh Hy và khu vực Bãi Kinh ngay sau vụ tai nạn xảy ra để tổng rà soát lại toàn bộ các điều kiện an toàn từ các hoạt động kinh doanh này...

Thiết nghĩ đó là việc cần làm tuy có muộn!. Cũng cần nói thêm rằng, đây không chỉ đơn thuần là tai nạn mà lớn hơn là ảnh hưởng đến “uy tín” về du lịch Vĩnh Hy nói riêng, của tỉnh nói chung phải mất nhiều năm xác lập. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế và cần “mạnh tay” trong việc xử lý những sai phạm, có như vậy mới có thể lấy lại niềm tin của du khách sau “tổn thương” về loại hình du lịch hấp dẫn này trên Vịnh Vĩnh Hy vốn nổi tiếng thơ mộng này..