Vấn đề hôm nay:

Cần có chính sách phát triển nông sản đặc thù!

(NTO) Những năm qua, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt bằng việc hình thành các vùng chuyên canh sản phẩm đặc thù như nho, táo, tỏi; dê, cừu,… Đến nay một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và từng bước tìm được đầu ra trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của không ít nông hộ.

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm…theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, ngành nông nghiêp và PTNT đã chọn giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật chăm sóc mới và chuyển giao công nghệ, giúp nông dân thay đổi “tư duy” sản xuất mới, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đồng thời phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh…đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính trong 2 vụ đông –xuân và hè-thu năm nay, toàn tỉnh đã có trên 2.000 ha cây trồng được chuyển đổi, bước đầu đạt hiệu quả cao.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) gieo trồng đậu xanh ít sử dụng nước tưới, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng so với yêu cầu việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn còn chậm, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi đặc thù chậm được cải thiện…

Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của kinh tế nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ cấp thiết là cần có chính sách hỗ trợ phát triển nông sản đặc thù. Đây là một trong những nội dung quan trọng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định, đó là tập trung đầu tư vào khâu giống cây trồng, canh tác tiết kiệm nước, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, tiểu vùng thổ nhưỡng; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Xây dựng các liên minh sản xuất gắn kết chế biến với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng, lợi thế cạnh tranh… Theo đó, tiếp tục hình thành những vùng sản xuất tập trung, thâm canh, chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; có vị trí chi phối và ảnh hưởng đến sự phát triển đối với các sản phẩm khác trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Để các sản phẩm nông sản chủ lực phát triển phải gắn với ban hành chính sách hỗ trợ. Trong đó cần chú trọng xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác; đẩy mạnh việc liên kết giữa các chủ thể sản xuất bằng nhiều hình thức để tổ chức sản xuất với quy mô diện tích lớn, tạo ra sản lượng cao, chất lượng đồng đều, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về khoa học kỹ thuật, các biện pháp thâm canh; ứng dụng các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt để từng bước thay các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp. Tiếp tục hoàn thiện các quy trình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái. Hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm phù hợp. Đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từ đó đánh giá, tổng kết để có các chính sách phù hợp, kịp thời khuyến khích nhân rộng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp…

Thực hiện tốt các yêu cầu trên sẽ tạo sức bật mới cho nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.