Đừng sống vô cảm

(NTO) Nhịp sống hiện đại rất dễ cuốn con người vào vòng quay của cuộc sống. Theo đó, sự suy thoái đạo đức, lối sống và thái độ vô cảm có chiều hướng gia tăng. Con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và tệ hại hơn là thờ ơ, lạnh lùng trước những nỗi đau của người khác. Vậy chúng ta phải làm thế nào để tránh xa lối sống đó?

Rất khó định nghĩa sự vô cảm và chữa trị nếu không hiểu rõ căn nguyên của nó. Có thể người ta vô cảm vì yếu đuối, vì sợ hãi, vì mất đi cảm xúc. Sự vô cảm dễ làm chúng ta mệt mỏi, nhưng an tâm và cứ mãi sống trong vỏ ốc của chính mình. Điều đó còn thể hiện lối sống vô trách nhiệm, vô tâm trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Sống vô cảm, đó là lối sống ích kỷ, thực dụng, sống chỉ biết hưởng thụ, chỉ sống cho riêng mình và đó không phải là lối sống giàu tính nhân văn. Lối sống thực dụng đã làm trơ lỳ hết mọi cảm xúc, những tình cảm đáng trân trọng giữa người với người. Không ít người cứ mải mê sống trong "giá trị ảo" để rồi quên đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Trong mỗi con người luôn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có niềm vui cũng có nỗi buồn, có hạnh phúc cũng có đau khổ... Điều quan trọng là chúng ta phải học cách sống mạnh mẽ như thế nào trước những biến động cuộc đời. Đừng bao giờ biến mình thành người vô cảm, hãy chọn cho mình cách sống tích cực hơn, lạc quan hơn. Vui vẻ, hăng say làm việc, mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác với mọi người để không mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sống hòa đồng, không xa rời tập thể, cộng đồng vì lợi ích chung của tập thể chứa đựng lợi ích của cá nhân và ngược lại. Sống biết quan tâm, giúp đỡ người khác, sống có trách nhiệm hơn sẽ cho ta có được nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ để yêu thương. Hãy chọn cho mình lối sống biết yêu thương và đồng cảm với niềm vui hay nỗi buồn của người khác.

Để làm được điều đó, ngay từ trong gia đình, cha mẹ cần có sự quan tâm, dạy bảo con cái cách đối nhân xử thế. Không nên nuông chiều con một cách thái quá, lâu dần sẽ tạo cho trẻ thói quen ích kỷ và vô tâm dẫn đến cách hành xử vô cảm về sau. Gia đình chính là nơi hình thành nên những cảm xúc yêu thương, lòng nhân ái, giáo dục và trang bị cho trẻ những chuẩn mực đạo đức làm người, giúp cho trẻ học cách lắng nghe, thấu hiểu và biết cách chia sẻ. Khi người lớn sống có trách nhiệm, quan tâm với nhau, ứng xử nhân văn thì đó là tấm gương để con trẻ học tập và noi theo. Cùng với gia đình, nhà trường có trách nhiệm giáo dục cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy ở trẻ lòng nhân ái và kiên quyết đấu tranh trước cái xấu, những sai trái trong xã hội.

Hạnh phúc là khi ta biết cho đi và cùng chia sẻ. Hơn nữa, nó tạo ra sự gắn kết tất cả các thành viên trong xã hội, mang lại tình cảm ấm áp cho mọi người. Và đó là điều mà ai cũng cần để cuộc sống này thêm tốt đẹp và đầy ý nghĩa.