An Hải phủ xanh vùng đất cát bằng công nghệ tưới nước tiết kiệm

(NTO) Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở xã An Hải (Ninh Phước) đã có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, trong đó quan trọng là địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch và triển khai, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đến nay cơ bản phủ xanh vùng đất cát, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Xã An Hải có 7 thôn, với 4.076 hộ/16.156 khẩu; diện tích tự nhiên 2.196,24ha, trong đó đất nông nghiệp 1.210,77ha, đất phi nông nghiệp 390,12ha, đất chưa sử dụng 491,09ha, phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động; đất có mặt nước chuyên dùng 104,26ha. Nhìn chung, người dân sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại.

 

Nông dân thôn Tuấn Tú (xã An Hải) sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thu hoạch đậu phộng đạt năng suất cao.

Trước diễn biến của biến đổi khí hậu gây ra hạn hán kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng với tinh thần chủ động, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền xã An Hải trong việc triển khai các giải pháp chống hạn, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, sáng tạo trong sản xuất, đến nay, người dân địa phương đã biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để phát triển, nhận thức tốt việc chủ động áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình nhất là ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới nước tiết kiệm của Israel do Dự án iDE Việt Nam chuyển giao cho hộ nghèo và thực hiện mô hình trình diễn, với chi phí vật tư lắp đặt cho hệ thống tướiphun mưa từ 3-4 triệu đồng/sào; tưới nhỏ giọt từ 1,5-2 triệu đồng/sào. Theo đó, từ khi triển khai dự án vào đầu năm 2010, qua tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, Hội Nông dân xã và Dự án iDE Việt Nam đã lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt cho 9 hộ, với diện tích 4,5 sào (Dự án iDE Việt Nam hỗ trợ 50% kinh phí). Đến nay, đã nâng tổng số diện tích lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm lên 450 hộ/180ha, trong đó Dự án iDE Việt Nam hỗ trợ cho 60 hộ (51 hộ nghèo, 9 hộ trình diễn), đồng thời hỗ trợ 15 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất cho người dân với số tiền 287 triệu đồng.

Ông Kiều Minh Tiến, nông dân có kinh nghiệm trồng cây măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú cho biết, gia đình sử dụng mạch nước ngầm có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm của Israel; đã trồng 1,5 sào măng tây xanh được 4 năm, với giá bán dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, trừ chi phí, hàng tháng gia đình có thêm nguồn thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng. Hiện nay, người dân trong thôn đã trồng được 15ha măng tây xanh, đời sống người dân ngày càng cải thiện, có hướng phát triển. Ông mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống măng tây xanh chất lượng, năng suất cao, góp phần giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Theo đánh giá kết quả dự án, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát An Hải là giải pháp hữu hiệu, thích hợp cho nhiều loại cây trồng cho năng suất cao, tạo cơ sở, động lực cho nông dân địa phương mạnh dạn đầu tư, an tâm sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng phát triển bền vững, góp phần cung cấp nông sản sạch, an toàn cho thị trường như măng tây xanh, đậu phộng, cà rốt, các loại cây làm gia vị…, đồng thời góp phần phát triển trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Đồng chí Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết, bà con thấy hiệu quả việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, từ mô hình điểm với diện tích 4,5 sào, rồi nhân rộng lên 100ha, đến nay đã phát triển lên 180ha, trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng diện tích toàn vùng lên 364ha. Đồng chí Hồ Thanh Phong khẳng định, mô hình tưới nước tiết kiệm là một trong những mô hình có tính ưu việt rất cao so với tưới tràn. Qua kết quả đánh giá, mô hình này giúp nông dân giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, lượng điện tiêu thụ, năng suất cây trồng tăng 30-40%, nhờ đó bà con an tâm, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai hiện có, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là nhân dân trong vùng đất cát các thôn Tuấn Tú, Nam Cương và Hòa Thạnh.