UBND tỉnh: Tổ chức hội nghị phổ biến Luật trưng cầu ý dân

(NTO) Ngày 29-6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến Luật trưng cầu ý dân cho cán bộ chủ chốt các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.

Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều: Chương I gồm 13 điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc trưng cầu ý dân; chương II gồm 4 điều quy định về đề nghị trưng cầu ý dân; chương III gồm 6 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp trong việc trưng cầu ý dân; chương IV gồm 7 điều quy định nguyên tắc lập danh sách cử tri, khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; chương V gồm 4 điều quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; chương VI gồm 5 điều quy định về bỏ phiếu trưng cầu ý dân; chương VII gồm 10 điều quy định về kiểm phiếu, công bố kết quả trưng cầu ý dân; chương VIII gồm 3 điều quy định về xử lý vi phạm pháp luật về trưng cầu ý dân, hướng dẫn thi hành Luật…Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Việc xây dựng và ban hành Luật trưng cầu ý dân góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu báo cáo viên cần làm rõ sự khác nhau giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến Nhân dân. Nội dung quy định về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức và công bố kết quả trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong việc thực hiện quy định của Luật trưng cầu ý dân. Tập trung làm rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri thực hiện Luật trưng cầu ý dân. Sau hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, sở ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố phổ biến Luật trưng cầu ý dân cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật trưng cầu ý dân.