“Tiếp sức” cho tàu Dịch vụ hậu cần nghề cá, đâu là giải pháp?

(NTO) Tỉnh ta là một trong những địa phương của cả nước có thế mạnh về khai thác thủy sản, hiện có hơn 2.745 tàu cá với tổng công suất trên 281.500 CV. Thực hiện mục tiêu đưa khai thác hải sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm gần đây cùng với việc hỗ trợ ngư dân đóng mới những con tàu khai thác đủ lớn để bám giữ ngư trường, tỉnh ta cũng rất quan tâm khuyến khích đầu tư phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển; đồng thời giảm chi phí cho mỗi chuyến biển, tăng hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, thực tế cho thấy tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển vững mạnh của nghề cá và nhu cầu của ngư dân...

Theo phản ảnh của ngư dân, thời gian qua việc khai thác hải sản xa bờ còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như các tàu khai thác cùng ra khơi đánh bắt, sau đó vài tàu chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ, đồng thời đem nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra để cung cấp cho các tàu ngoài khơi, đó là trường hợp hình thành được tổ đội khai thác, ngược lại những tàu hoạt động “độc lập” đánh bắt xong là phải chạy vào bờ để bán… vừa mất thời gian, tốn kém nhiên liệu, mang lại hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí còn “thất thu” nếu đang gặp luồng cá lớn. Toàn tỉnh hiện có 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ đã hạ thủy và đi vào hoạt động. Mặc dù hoạt động chưa lâu, nhưng góp phần tạo động lực để cho một số tàu đánh bắt xa bờ bám biển thường xuyên, thậm chí thời gian có thể kéo dài từ 3-5 tháng, bởi vì tàu dịch vụ đã có sẵn mối liên kết với các nơi tiêu thụ, không cần qua trung gian đầu nậu tại cảng, giúp tăng thêm hiệu quả cho tàu khai thác.

 
Tàu dịch vụ hậu cần Việt Anh vỏ composite được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Nếu ngư dân hoạt động theo theo mô hình “tàu mẹ, tàu con” (tàu mẹ là tàu hậu cần, tàu con là tàu khai thác) sẽ khắc phục được nhược điểm của tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển truyền thống (chỉ có các tàu khai thác liên kết với nhau). Mô hình này hoạt động theo cơ chế các tàu dịch vụ hậu cần sẽ “hợp tác” cùng các tàu khai thác, vận chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ, đồng thời cung cấp nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết, giúp các tàu khai thác yên tâm bám biển. “Tàu mẹ” càng lớn thì các “tàu con” càng nhiều.

Ông Võ Ngọc Minh, chủ tàu dịch vụ hậu cần Rạng Đông (khu phố 9, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Nhờ vay vốn 67, tôi đã mạnh dạn đóng chiếc tàu này và hoạt động được 2 tháng nay, chúng tôi cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các thứ cần thiết cho tàu đánh bắt xa bờ rồi thu mua hải sản vận chuyển vào bờ, mỗi chuyến đi khoảng 4-5 ngày. Khó khăn lớn nhất hiện nay là sức chứa của tàu được gần 100 tấn hải sản, nhưng mỗi chuyến tôi chỉ thu mua được 50-60 tấn… Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề đặt ra ở đây là không phải các tàu dịch vụ không thu mua hết hải sản theo sức chứa của tàu mà chủ yếu do không đủ vốn. Các tàu dịch vụ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, dẫn đến không khai thác hết công suất của tàu, gây lãng phí không nhỏ cho mỗi chuyến ra khơi.

Thiết nghĩ, tàu dịch vụ hậu cần là một “mắc xích” rất quan trọng trong việc phát triển nghề cá và là điểm “then chốt” để có thể tạo thành quy trình khép kín trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Để tàu dịch vụ hậu cần của tỉnh phát triển một cách bền vững, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vốn lưu động cho các tàu hoạt động dịch vụ hậu cần, trong đó quan trọng từ phía các tổ chức tín dụng… qua đó giúp chủ tàu không phải vay vốn “chợ đen” với lãi suất quá cao. Được như vậy, tin rằng các tàu hậu cần nghề cá sẽ hoạt động hết công suất, mang lại hiệu quả, giúp bà con ngư dân yên tâm khai thác hải sản, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tại Khoản 3 (Chính sách cho vay vốn lưu động) thuộc Điều 4. Chính sách tín dụng, quy định:
a) Đối tượng được vay vốn: Các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
b) Điều kiện vay: Là các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể.
c) Hạn mức vay:
- Tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
d) Lãi suất cho vay là 7%/năm trong năm đầu tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay với ngân hàng thương mại và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đảm bảo lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất cho vay thấp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tại Khoản 2, Điều 7. Một số chính sách khác, quy định:
2. Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
a) Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV; từ 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên; hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/năm.
Ông Nguyễn Văn Mười

Chủ tàu khai thác Hải Dương (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải):

Trước đây thời gian đánh bắt xa bờ thường đứt quãng, trong trường hợp gặp luồng cá lớn mà hết nhiên liệu thì phải đợi các tàu khác vào bờ mang nhiên liệu ra rồi mới tiếp tục đánh bắt. Trên các ngư trường khai thác hiện nay có rất nhiều các tàu dịch vụ hậu cần nhưng các tàu này chủ yếu là của các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Phú Yên,… nên đôi lúc chúng tôi cũng không yên tâm trong việc mua bán hải sản trên biển. Thời gian vừa rồi trên biển đã có tàu dịch vụ hậu cần của tỉnh nhà ngoài việc thu mua trực tiếp hải sản trên biển, tàu còn cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu, đá lạnh,... cho các tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, chúng tôi cảm thấy rất thuận lợi và yên tâm trong việc vươn khơi bám biển n

Ông Nguyễn Tường Lân

(thôn Khánh Sơn 2, thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải):

Năm 2010, tôi vay Agribank - Chi nhánh Ninh Hải hơn 200 triệu đồng để trồng nho và chăn nuôi bò. Sau khi trả hết nợ, năm 2015, tôi tiếp tục vay 585 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Trong quá trình vay vốn, Ngân hàng hướng dẫn hồ sơ thủ tục tận tình và hết sức tạo điều kiện cho tôi.