Chuyện "biết rồi, khổ lắm..."

(NTO) Thời xưa, dân gian có câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” chỉ những người thích nói, dù rằng câu chuyện của họ chỉ là sự lặp đi lặp lại những gì ai ai cũng đã biết. Thời nay thì “biết rồi, khổ lắm…” chỉ những người dù biết trước hậu quả sẽ xảy ra nhưng cứ lao vào như con thiêu thân bởi vấn nạn lòng tham không có điểm dừng.

1. Chị nghỉ hưu non than phiền: Chú ơi, chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Cả đời làm việc vất vả, tích cóp từng đồng xu để rồi chỉ trong chốc lát bị lừa mất hết. Chẳng là trong tình hình kinh tế suy giảm, việc làm khó khăn, đang làm ở doanh nghiệp nhà nước chị phải xin nghỉ hưu trước tuổi đổi lấy suất cho cậu con trai vừa tốt nghiệp Cử nhân Luật thế chân. Ở nhà nhàn rỗi, chị suy nghĩ tìm cách kiếm thêm tiền, bù vào khoản thiếu hụt thu nhập trước lúc nghỉ hưu trang trải cuộc sống hàng ngày. Vốn dân kinh doanh, chị mở quán bán ăn sáng, nhờ khách quen kiếm đủ đồng ra đồng vào. Rồi chị có thêm nhiều bạn mới đồng cảnh ngộ, rủ nhau mở hụi giúp vốn làm ăn, lãi suất cao hơn ngân hàng 0,5%, bốc thăm xoay vòng ai trúng nhận trước. Thấy kiếm tiền từ hụi dễ, tuy không nhiều nhưng theo phương châm “kiến tha lâu đầy tổ” chị thêm vững dạ. Người tham gia chơi hụi ngày thêm đông, theo gợi ý của bạn bè, chị mở thêm một vài dây hụi khác với cách thức ai bỏ lãi cao người đó hốt. Làm chủ nhiều dây huê hụi chị kiêm luôn việc mua bán hụi, tính ra mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng. Việc “kinh doanh” hụi lời theo cấp số cộng như cái vòng xoáy cuốn hút để rồi khi con hụi ẵm cả tỉ đồng bỏ trốn chị mới ngã người. Vốn có lòng tự trọng, chị bàn với chồng con bán căn nhà đang ở để trả nợ cho các con hụi. Giờ gia đình chị chuyển sang căn nhà cấp bốn tuềnh toàng trong một ngõ hẻm vắng đìu hiu.

2. Anh cán bộ nghỉ hưu, lúc đương chức vốn được coi là người mẫu mực về đạo đức, lối sống. Anh có hai cậu con trai, cậu lớn tốt nghiệp Cử nhân IT về quê mở doanh nghiệp tin học, nhờ chăm chỉ làm việc, nắm bắt nhu cầu thị trường nên làm ăn ngày càng phát đạt. Cậu út, vốn dân đá banh mê chốn Sài thành phồn hoa, tốt nghiệp đại học kinh tế, cha mẹ gửi gắm làm việc tại doanh nghiệp của người bạn thân. Chia sẻ với bạn bè, anh nói mà tưởng như kim may châm từng thớ thịt mình: Thằng lớn là niềm tự hào của gia đình, giòng họ. Nó không theo con đường làm việc nhà nước như cha mẹ mà tự tìm đường đi riêng cho mình. Làm chủ doanh nghiệp, có thu nhập khá nhưng hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, hàng năm dành một phần lợi nhuận để chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ người có công với cách mạng trong tỉnh, ai cũng yêu mến nó. Thằng em, vốn học giỏi từ nhỏ, năng động, hoạt động xã hội khá, cứ nghĩ ở Sài Gòn sẽ là mảnh đất để cháu phát triển sở trường, sở đoản, nào ngờ nó mê cá độ bóng đá từ lúc nào không biết. Mùa EURO 2016 mới khởi tranh chưa đến vòng knock-out (loại trực tiếp), hắn đã mượn tạm từ tài khoản của doanh nghiệp bạn mình mấy trăm triệu trả thua độ. Cứ nghĩ thằng út sẽ làm nên nghiệp lớn ai dè chưa phát đã tắt lụi. Mẹ nó giờ buồn phiền không biết có cách nào để đưa cháu thoát khỏi nạn cờ bạc từ cá độ bóng đá. Nói rồi anh tặc lưỡi, nó giống ai không biết nữa, phải chăng người tính không bằng trời tính!?

Biết rồi, khổ lắm…thà không biết còn hơn!? Đó là câu nói của những người chỉ vì thấy lợi trước mắt để rồi khi xảy ra hậu quả thì đã muộn. Không bỏ công sức lao động mà có lợi nhuận cao, có tiền tự chảy vào túi mình, có chăng chỉ là trong những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện thần tiên ngày xửa, ngày xưa. Ai cũng biết huê hụi, cá độ bóng đá, số đề… hậu quả khôn lường không chỉ đối với cá nhân tham gia mà ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội và pháp luật Nhà nước đã cấm. Bài học cảnh tỉnh đã có nhiều, rất nhiều nhưng vẫn còn đó những người say mê, vấp ngã. Hãy cùng nhau làm việc chân chính bằng trí tuệ, mồ hôi của bản thân và cảnh giác cao với vấn nạn huê hụi, cá độ bóng đá, số đề… để mỗi gia đình luôn hạnh phúc, xã hội bình yên, phát triển.