Hướng tới kỳ họp thứ I, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021: Suy nghĩ về thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân

(NTO) Quyền làm chủ của Nhân dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946. qua các thời kỳ cho đến Hiến pháp năm 2013 đã tái khẳng định và cụ thể hóa tư tưởng về quyền làm chủ của Nhân dân thông qua nhiều chế định (như lời nói đầu “Nhân dân Việt Nam được xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Điều 2 quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức”…).

Cơ chế thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân thể hiện tại Điều 6 Hiến pháp năm 2013 “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. So với Điều 6 Hiến pháp năm 1992, quyền làm chủ của Nhân dân thực hiện theo cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện đã có điểm mới rất quan trọng, đó là bổ sung chế định “và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Cụm từ “các cơ quan khác của Nhà nước” hiện nay chưa có văn bản pháp lý chính thống của cơ quan có thẩm quyền giải thích, theo suy nghĩ cá nhân, tự tìm lời giải đáp với chiều hướng tích cực có thể hiểu các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng được xem là chủ thể trong cụm từ “cơ quan khác của Nhà nước” (do được Nhà nước quyết định thành lập hoặc công nhận)…

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”; “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là chủ”. Và, trong tư tưởng của Người, Nhân dân là nguồn sức mạnh của Nhà nước, là nguồn trí tuệ của Nhà nước, là nguồn sáng kiến vô tận, Nhà nước có chức năng khơi nguồn, phát hiện, tiếp thu và hoàn thiện các sáng kiến của Nhân dân để xây dựng chính sách và luật pháp. Lần đầu tiên trong các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946, 1959,1980, 1992 cho đến Hiến pháp năm 2013) cụm từ “Nhân dân” được viết hoa đã khẳng định địa vị pháp lý chủ thể quyền làm chủ của Nhân dân trong thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thực hiện Hiến pháp năm 2013 và những luật cơ bản khác (trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Nhận thức về quyền làm chủ của Nhân dân là cả một quá trình; có thể đưa ra những đặc trưng cơ bản có tính khái quát về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân là:

Thứ nhất, thuộc tính dân chủ: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thứ hai, thuộc tính Hiến pháp: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp.

Thứ ba, về vai trò của pháp luật: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận và thể hiện vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội.

Thứ tư, nguyên tắc tổ chức bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nguyên tắc quyền lực Nhà nước thống nhất trên cơ sở có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ năm, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thứ sáu, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề cao vai trò và bảo vệ các quyền của cá nhân; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Đối với chính quyền địa phương, phải xác định rằng HĐND và UBND cùng trong một thể thống nhất của chính quyền địa phương, phát huy vai trò giám sát của HĐND.

Quyền làm chủ của Nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm; không ngừng hoàn thiện, nhưng thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định; có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan; trách nhiệm của Nhà nước và nghĩa vụ công dân. Để thiết thực phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, cần rất nhiều giải pháp; xin được đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, phải tăng cường (không nên dùng cụm từ “cần tăng cường”) nhận thức và quyết tâm chính trị để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, đồng bộ cả ba cuộc cải cách: Cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân sớm trở thành hiện thực trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế.

Hai là, Nhà nước phải xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Hoàn thiện chỉ tiêu đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ; người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Ba là, rà soát, kiểm tra xây dựng và hoàn chỉnh các đạo luật thiết yếu để Nhân dân có đầy đủ công cụ cần thiết kiểm soát quyền lực Nhà nước; thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đồng thời với việc tăng cường cơ chế kiểm soát tình trạng các nhóm lợi ích không chính đáng lợi dụng, thao túng chính sách một cách không công bằng trong hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Với bốn tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thiết nghĩ các vị đại biểu HĐND cần phải đề cao trách nhiệm trước cử tri về những vấn đề thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Mặt khác, mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện để đại biểu HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình...