Vai trò trụ cột người cao tuổi trong xây dựng và duy trì gia đình truyền thống Việt Nam

(NTO) Gia đình Việt Nam từ ngàn xưa đến nay đều giữ gìn được những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống tiêu biểu đó là: hiếu để (hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương nhường nhịn với anh chị em) thủy chung, hòa thuận (trong quan hệ vợ chồng).

Những giá trị ấy luôn luôn được đề cao trong việc xây dựng nền nếp gia phong, giáo dục đạo đức cho con cháu… đã trở thành nếp sống văn hóa, đạo lý, là sức mạnh tinh thần cố kết để duy trì và phát triển bền vững truyền thống gia đình Việt Nam.

Trong việc xây dựng, duy trì và phát triển những giá trị truyền thống của gia đình, người cao tuổi với vị trí là ông bà, cha mẹ được xem là trụ cột của gia đình giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Người cao tuổi xã Phước Thuận (Ninh Phước) tích cực tham gia các hoạt động xã hội địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Người cao tuổi với vị trí, vai trò nêu trên là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, kinh nghiệm, công lao trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình. Có biết bao người cha, người mẹ tần tảo chịu đựng bao gian khổ nhọc nhằn để nuôi con khôn lớn nên người. Có biết bao người ông, người bà trong những gia đình có nhiều thế hệ con, cháu chung sống đã lấy đức độ, tình yêu thương máu thịt của mình để làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo… để xây dựng nên những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” là những bằng chứng sống về những gia đình mẫu mực Việt Nam.

Thế hệ người cao tuổi hôm nay là những người đã trải qua những giai đoạn lịch sử, xã hội đầy khó khăn gian khổ như chiến tranh giải phóng dân tộc, vật lộn với cuộc sống kinh tế khó khăn để vượt qua nhiều thử thách cam go góp sức xây dựng nên cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Lớp người cao tuổi cũng là những người tích lũy được rất nhiều vốn quý về văn hóa, truyền thống dân tộc, kinh nghiệm sản xuất, đạo đức, lối sống để truyền thừa cho các thế hệ con cháu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020 chỉ rõ: “gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, vai trò của việc xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam là vô cùng quan trọng. Quá trình đổi mới đã và đang đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển rất to lớn và tích cực như mức sống của đại bộ phận gia đình được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Các sản phẩm văn hóa độc hại đang thâm nhập ngày càng nhiều lối sống và sinh hoạt của thế hệ trẻ. Các tệ nạn xã hội luôn rình rập và đe dọa cuộc sống bình thường của nhiều gia đình.v.v… Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống là vô cùng quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Theo đó, vai trò của người cao tuổi càng trở nên quan trọng và càng có nhiều ý nghĩa đối với yêu cầu cấp thiết này.

Người cao tuổi với sự trải nghiệm dạn dày về cuộc đời đã trở thành trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình trong hoàn cảnh hiện tại, với việc nêu gương sáng về đạo đức, lối sống để giáo dục cho con cháu những giá trị gia đình truyền thống từ những sinh hoạt và việc làm nhỏ nhất hằng ngày trong gia đình.

Người cao tuổi còn có ưu thế về kỹ năng thuyết phục con cháu mà không phải áp đặt trong việc chọn lọc và tạo sức đề kháng đối với những tác động từ bên ngoài để hình thành nhân cách cho con cháu theo hướng tích cực. Người cao tuổi còn có khả năng và kinh nghiệm trong việc điều hòa các mối quan hệ giữa các thành viên để tạo nên không khí gia đình “trong ấm, ngoài êm”. Người cao tuổi có điều kiện dành nhiều thời gian gần gũi với các cháu, trông nom, dạy dỗ các cháu khi bố mẹ chúng bận rộn công việc làm ăn.v.v…

Từ những việc làm cụ thể trên đây, người cao tuổi vừa phát huy được những giá trị của gia đình truyền thống vừa nắm bắt được “mạch chuyển động” của cuộc sống hiện đại để chọn lọc những giá trị tốt đẹp, tiến bộ nhằm vun đắp gia đình mình phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực của người cao tuổi với vai trò trụ cột trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời việc làm này giúp người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội” đúng theo phương châm sống của người cao tuổi Việt Nam hiện nay.