Vấn đề hôm nay:

Sao khó nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả?

(NTO) Có thể nói, những năm qua sản xuất nông nghiệp tỉnh ta khá phát triển, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được nông hộ tiếp nhận ứng dụng vào sản xuất, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển đúng định hướng... Tuy nhiên, cân phân mà nói so yêu cầu phát triển mang tính bền vững vẫn chưa đạt như mục tiêu đề ra, nhất là việc đầu tư thâm canh và ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa được nhiều nông dân coi trọng nên năng suất và hiệu quả còn thấp. Mặt khác, việc sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa chưa quan tâm đầu tư đúng mức để vừa nâng giá trị sản phẩm, vừa ổn định thị trường tiêu thụ...

Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) trồng bắp lai thương phẩm đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Để khắc phục tình trạng nêu trên đầu tháng 2-2015 UBND tỉnh ban hành Đề án ”Về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu cần đạt được như về lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất. Đối với phát triển chăn nuôi nông hộ cần khuyến khích phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm…. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 23 xã đạt 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh dưới 5%; có 75% số xã có ít nhất một hợp tác xã hoạt động có hiệu quả…

Triển khai thực hiện Đề án nói trên, theo báo cáo của ngành NN&PTNT, chỉ tính trong năm 2015, UBND tỉnh đã phân bổ 900 triệu đồng vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh cho các huyện, xã để nhân rộng mô hình. Ngay từ đầu năm nay ngành đã làm việc và thống nhất với các huyện về kế hoạch phân bổ sử dụng nguồn kinh phí nêu trên, tập trung chủ yếu là các mô hình VietGap, bẫy bã sinh học phòng trừ ruồi hại nho, táo và “1 phải 5 giảm” trên cây lúa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong qua thực hiện đã nổi lên một số vướng mắc như việc nhân rộng mô hình chưa huy động hết nguồn lực theo như Đề án đặt ra. Định mức đơn giá áp dụng cho mô hình rau an toàn (200.000 đồng/kg), mô hình trồng bắp lai (60.000 đồng/kg) theo Đề án là thấp so với thị trường. Mô hình nhân rộng theo tiêu chuẩn VietGap khó triển khai do thiếu liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nên sản phẩm không bán được. Bên cạnh đó về chính sách chỉ hỗ trợ giống 30% (bao gồm cả thuế VAT) nên chưa khuyến khích được các nông hộ tham gia do phải bỏ thêm vốn đối ứng. Không những vậy, việc liên kết sản xuất giữa các nông hộ thông qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp... để hỗ trợ phát triển sản xuất chưa nhiều; các chính sách về tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn chưa được tiếp cận do còn vướng thủ tục và tài sản đảm bảo. Việc hỗ trợ sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh tập trung, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm chưa nhiều và thường xuyên…Đây cũng là “rào cản”, khó khuyến khích các nông hộ tích cực tham gia.

Có thể nói, chính những vướng mắc đã đề cập ở phần trên đã làm cho việc nhân rộng các mô hình sản xuất mà hiệu quả đã được khẳng định khó thực hiện như mong muốn. Thiết nghĩ, khó khăn, vướng mắc đã được “nhận diện”, vấn đề là ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh cần sớm có những giải pháp khắc phục để Đề án nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy nông nghiệp trong tỉnh phát triển, đồng thời tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần đắc lực trong việc xây dựng nông thôn mới.