CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Ôi, nghiệp... báo!

(NTO) Xin nói ngay để các bạn thông cảm, số là tôi yêu mến, “có duyên, có nợ” với báo chí từ những năm mới học cấp 2. Do vậy, cái sự… “viết lách”… hình như đã ăn sâu vào máu thịt mình gần 50 năm rồi, nên tôi coi như là cái nghề, cái nghiệp (dù có là nhà báo nghiệp… dư), chứ không phải là “nghiệp… báo oan gia” như người ta thường nói đùa đâu nhé! Mà cũng là như vậy thật.

Tôi thích làm báo khi mới là học sinh lớp 6, ngoài giờ học thì miệt mài… quên ăn, bỏ ngủ cho phong trào báo tường. Lên lớp 8 cũng bày đặt, tập tễnh cho “ra mắt” đặc san vào các dịp xuân, hè cuối năm học. Oách lắm chứ. Các anh học lớp trên nhìn muốn lé con mắt dù cho tập đặc san quay tay rô-nê-ô lấm lem mực in đen thui, nhìn vào đã thấy mù con mắt chứ đừng nói chi đọc được chữ.

Rồi lớn lên, tuy không chọn làm báo như một nghề chính thức, nhưng tôi vẫn thường xuyên giao lưu, cộng tác với “cánh” báo chí về thơ văn, hoặc lâu lâu cũng tham gia một vài phóng sự, phản ảnh đôi điều về cuộc sống mắt thấy tai nghe quanh ta mỗi ngày, thấy được các cung bậc thăng trầm, mỗi nhịp đập trái tim của con người trước một vấn đề nào đó mà xã hội đang quan tâm, bức xúc… Thế là lao đi nắm thông tin, mức độ chính xác của sự việc (dù đôi khi chưa được “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” đúng 100%), cũng có thể gọi là đã cơ bản về độ trung thực của vấn đề khi phản ảnh… Và như thế, từ một người “tay ngang” thích cầm viết để được khám phá, trải nghiệm cuộc sống và mở rộng tầm nhìn… riết rồi cũng thành “quen tay nghề” và được độc giả, bè bạn đón nhận trên từng trang viết. Đối với người viết báo, không có khái niệm “hình như” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải luôn có sự khảo sát thực tế, có những chứng cứ xác đáng, chắc chắn và đa chiều để rộng đường dư luận. Do vậy, tôi ghét những nhà báo “salon”, tức là cứ ngồi trong phòng máy lạnh mà tự do phóng… bút tùy thích!

Có người hỏi tôi nghĩ gì về nghề báo? Với tôi thì công việc nào cũng vậy, cũng đều có những khổ nhọc và vinh quang riêng. Còn nghề báo, theo tôi đó là một nghề có đôi chút đặc biệt hơn, không phải ai cũng làm được… Đó là nghề đòi hỏi người ta không ngừng học hỏi, phải có tri thức phong phú và toàn diện mới có thể có những bài viết, nhận định đúng đắn và chính xác. Trong dòng chảy xã hội không ngừng tiến bộ và phát triển, là người ghi nhận lại những sự kiện của xã hội, các nhà báo lại càng không thể cho phép mình dậm chân tại chỗ. Họ cần phải có tư duy “bén” và nhận định sát, đúng vấn đề, sự việc họ đang nắm bắt, theo đuổi, không sa ngã trước cám dỗ phức tạp.

Người ta thường ví von báo chí là quyền lực thứ 4 của xã hội, nhưng tôi mong rằng, những người làm báo đừng nên dùng cái quyền này để mưu cầu lợi ích bản thân và hãy dùng cái “tâm” trong sáng, cái “tầm” của người làm báo để cống hiến. Và nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 năm nay, những nhà báo chúng ta luôn tâm niệm và ghi nhớ lời căn dặn của cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để làm hành trang “viết lách” của mình!.