Lời hứa

(NTO) Lời hứa luôn mang những giá trị của riêng nó, tuy nhiên không đơn giản để ai cũng hiểu được điều đó và nhận ra rằng mình cần làm gì để thực hiện đúng lời hứa.

Cuộc sống luôn cần đến một lời hứa thật chân thành và đầy trách nhiệm, đó chính là một sự cam kết. Lời hứa luôn đem đến niềm hy vọng cho người khác và họ vẫn luôn mong chờ một ngày lời hứa trở thành hiện thực. Có thể với họ, giá trị mang lại không phải là vật chất, mà giá trị chính là mức độ chân thật. Lời hứa có sức mạnh như vậy, khiến người ta luôn ghi nhớ, rồi mong đợi và cảm thấy thật hạnh phúc khi lời hứa được thực hiện. Vì vậy, chúng ta chỉ nên hứa khi ta hiểu điều mình hứa và tin chắc rằng sẽ thực hiện được lời hứa bằng mọi cách. Tuy nhiên, không phải lúc nào mình cũng có khả năng thực hiện những điều đã hứa. Đôi khi do khách quan, lúc mình hứa thì trong khả năng có thể nhưng đến khi thực hiện thì không làm được. Nếu không thực hiện được lời hứa, chúng ta có thể dùng những lời lẽ chân thành để xin lỗi và tìm cách bù đắp cho sự lỗi hẹn. Đó là cách đối xử chân thành làm cho người được hứa cảm thấy họ vẫn được tôn trọng và cũng giúp cho bản thân không phải áy náy. Đừng bao giờ hứa mà không suy nghĩ, hứa mà biết chắc là mình không làm được nhưng vẫn hứa, điều đó sẽ làm tổn hại đến uy tín của bản thân. Không nên dùng lời hứa làm căn nguyên buộc tội người khác nếu họ không thực hiện lời hứa và cũng đừng cả tin vào những lời mà người khác hứa. Phải biết nhận xét, phán đoán để tránh hụt hẫng nếu lời hứa không được thực hiện. Lời hứa đáng được trân trọng, dù nó là của tôi hay của bạn. Dù ở ngữ cảnh nào, thì khi trao đi một lời hứa có nghĩa là bạn nhận lại một niềm tin và sự tồn tại của niềm tin ấy tùy thuộc vào hành động của chúng ta đối với lời hứa của mình.

Trong gia đình, muốn hình thành cho con những hành vi, thói quen tốt, cha mẹ cần giữ lời hứa với tất cả các thành viên. Khi đó, con cái mới cảm nhận được sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau của mọi người và học tập theo. Nếu người lớn nói lời không giữ lời, con cái sẽ có cảm giác bị lừa dối. Trẻ sẽ mất niềm tin vào những lời cha mẹ nói và từ đó tỏ thái độ nghi ngờ đối với mọi người xung quanh. Nếu điều này thường xuyên lặp lại, trẻ sẽ xem nhẹ lời hứa và lâu dần sẽ hình thành thói quen xấu, hứa hẹn tùy tiện mà không giữ lời. Hứa và thực hiện lời hứa như thế nào là một trong những bài học cơ bản nhất giúp con cái có thể trưởng thành.

Chúng ta hãy cảm nhận những lời hứa xuất phát từ sự chân thành để hiểu hết những điều kỳ diệu của nó, để thêm tin yêu, thêm hy vọng, sống có trách nhiệm hơn. Và hãy bao dung cho cả những lời hứa không thành để thấy cuộc sống này thật đáng yêu.