Xúc cảm Trường Sa

(NTO) Trước biển chiều nay, khi những cánh chim hải âu đang chao về phía đảo, tôi lại chợt nhớ những câu hát dặt dìu “Mỗi cánh thư về từ đảo xa…”. Nơi ấy phía bình minh đến sớm, giữa khoảng trời mênh mang rực nắng, gió, nơi vùng cực Đông của Tổ quốc.

Vâng ! nơi ấy có các anh, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi các thực vật biển vẫn lặng thầm sinh sôi dưới lòng đại dương, cây bàng vuông vẫn xanh xòa tán rộng, hoa phong ba vẫn sung sức nở trắng bung. Từ đất liền, nơi cao nguyên đất đỏ Nhà báo Trương Minh Thắng đã biết bao lần thao thức với các anh: “Thật hạnh phúc khi hình ảnh người lính đảo cứ vẹn nguyên mãi trong tôi như tình yêu biển - đảo đi cùng năm tháng”. Trong chuyến đi công tác ở Trường Sa, qua ống kính và nhật ký phóng viên, cảm ơn anh đã rút ruột gửi gắm lòng mình như duyên nợ với biển và những người lính đảo. Bài thơ “Con đường hoa trắng”, Nhà báo Trương Minh Thắng đã phác thảo “Trường Sa ơi! Dấu chân anh còn đó/ Như cây phong ba xanh ngắt trời chiều/ Như dáng hình đau đáu một tình yêu…”.

Nụ cười giữa trùng khơi – Văn Thành Châu.

Với mùa Xuân – Người lính thường có cách nhìn, cách nghĩ riêng rất trẻ. Ngày xưa tôi cũng từng là một người lính nơi biên giới phía Bắc. Nơi có mùa măng vầu nẻ đất. Nét hồn nhiên dung dị trong “Cảm nhận mùa xuân” tôi đã viết “Người lính đón Xuân trên đường hành quân/ Có phải hương Xuân vương đầy áo lính/ Mà để lòng tôi cứ bồi hồi thương mến/ Hái bông hoa rừng muốn gửi tặng ai…”. Để bây giờ khi viết, khi nghĩ về các anh - những người lính biển, tôi lại liên tưởng màu hoa sim biên giới, cây phong ba và hoa muống biển, đều là những bông hoa khiêm nhường sinh ra, trãi mình trên núi và cát là những sắc màu thuỷ chung chờ đợi. Hai màu xanh ấy cứ đan vào nhau sao mà dung dị và thấm đẫm đến vậy. Hình ảnh, không gian nơi cầu tàu cuộc chia tay của những người lính một sáng giêng hai lần đầu ra với đảo, cứ trỗi dậy. Cái bịn rịn, luyến lưu, cái bổi hổi bồi hồi… khi người lính trẻ giã biệt đất liền thân yêu, sau những náo nức, hồ hởi của nhịp đập tuổi 20 tươi tắn chào mùa xuân ra trận. Là những phút bối rối, xao lòng trước một người con gái. Là một người lính thủy, tác giả Xuân Tình đã tinh tế, dồn nén cảm xúc sẻ chia, bộc bạch lòng mình nói hộ những người lính trẻ trong bài thơ “Bán đảo mùa Xuân” anh viết tặng Đoàn M46 Hải quân “Lính trẻ bồi hồi, thèm bàn tay con gái - Mai xa rồi có chi mà ái ngại - Dặt dìu… người ở… người ơi!”.

Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Điệp khúc ấy cứ vọng về nơi hai đầu nỗi nhớ. Trường Sa hôm qua và hôm nay đã chuyển mình nhiều lắm. Từ những hoang đảo khô cằn mà bây giờ những lộc chồi đang bật dậy vời vợi giữa phong ba. Từ những bãi cạn xưa ấy bây giờ đã dập dìu thành bến cảng. Trường Sa ơi! Nơi trùng khơi tít tắp ấy ngày mỗi ngày đang gần lắm với chúng ta. Mạch nguồn thông tin đã không còn ngoài vùng phủ sóng như xưa, dòng điện sáng đã về với người lính đảo và những ngư dân trên đảo. Điện năng lượng gió từ mặt trời nhen lên sự sống hiện hữu. Nhà giàn và các đảo đã có rau xanh, nơi Trường Sa lớn đã có lớp có trường sớm chiều ríu ran tiếng cười con trẻ, hơi thở, nhịp đập của biển đảo - đất liền như đang quện vào nhau bắt nhịp sinh sôi.

Chia tay Trường Sa, tạm xa các anh, những đợt sóng cứ trào lên căng cuộn như lồng ngực lính trẻ đôi mươi, như ôm níu mạn tàu và nôn nao thổn thức muốn nói lời giã bạn. Để giờ đây anh có nghe không “lời người từ phố biển” Trường Sa ơi! Hình hài đất mẹ thân yêu! Lòng tôi thầm gọi, thầm mong đợi và mãi luôn dõi về nơi ấy.