Giáo dục nhân cách

(NTO) Nhân cách là nét đặc trưng riêng của mỗi người, là yếu tố quan trọng quyết định mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Nhân cách con người thể hiện qua cách ứng xử, trình độ cũng như nguyên tắc sống của mỗi người.

“Nhân chi sơ tính bổn thiện”, bản tính con người sinh ra đều tốt, “thiện” hay “ác” phát triển tùy thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường, ảnh hưởng của xã hội và khả năng nhận thức của mỗi người. Giáo dục trong gia đình tác động sâu sắc tới sự phát triển nhân cách của trẻ từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Gia đình nào có nền nếp, kỷ cương thì đa phần con cái ngoan hiền, thành đạt, ngược lại môi trường giáo dục trong gia đình không tốt, con cái dễ sinh hư hỏng. Gia đình cần kết hợp với nhà trường trong việc rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ. Nhà trường phải xây dựng môi trường học tập thật sự lành mạnh, thông qua những hoạt động ngoại khóa dần dần hình thành nên tính cách cho trẻ. Việc giáo dục nhân cách cho trẻ ở giai đoạn thiếu niên vô cùng quan trọng. Để hình thành nhận thức và nhân cách của trẻ, ở giai đoạn này vấn đề học làm người cần được xem trọng. Giáo dục kiến thức chính là cơ sở, là nền tảng cho quá trình nhận thức của trẻ khi trưởng thành. Sự phát triển nhân cách ở trẻ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau và luôn đi liền với sự phát triển về thể chất và tinh thần. Vì vậy, rất cần việc giáo dục thể chất, nhân cách cho trẻ, không thể để cho con trẻ lớn lên với một nhân cách què quặt, thể chất yếu đuối. Con đường phía trước luôn có nhiều sự lựa chọn, nếu thiếu nhân cách trẻ sẽ mất phương hướng, dễ gặp thất bại. Hãy giúp trẻ hiểu rằng nhân cách là phẩm chất bên trong của con người, người có nhân cách tốt dễ chiếm được cảm tình, sự tôn trọng của người khác và dễ dàng gặt hái thành công. Bên cạnh, chúng ta cũng nên trau dồi cho trẻ những tri thức và kĩ năng cần thiết hữu ích cho cuộc sống. Giáo dục cho trẻ có trách nhiệm với cộng đồng, trẻ phải biết được mọi hành động, suy nghĩ của mình đều ảnh hưởng, tác động đến mọi người xung quanh. Đừng vì quá thương con mà vô tình chúng ta lại làm cho chúng trở thành những con người lười biếng, ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân. Dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp và động viên trẻ tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng. Giáo dục cho trẻ khả năng độc lập suy nghĩ, tự học, từ đó hình thành nên kỹ năng và nhân cách của con người.

Cuộc sống hiện đại đòi hỏi chúng ta càng phải chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho con em mình, đó chính là rèn luyện nhân cách để giúp trẻ hướng tới một tương lai tốt đẹp.