Thế giới trong tuần

1. Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày (26 và 27-5) tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Tuyên bố nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Vì vậy, tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp”.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á. Tuyên bố của G7 nêu rõ “sự quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.

Lãnh đạo G7 cũng nhắc lại rằng việc giải quyết các tranh chấp nên diễn ra một cách hòa bình và tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng những tuyên bố chủ quyền nên được đưa ra căn cứ vào luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế “các hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng”, đồng thời “tránh sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm tìm cách đạt được những tuyến bố về chủ quyền”.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 cũng ra tuyên bố khẳng định cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu là vấn đề mà cả thế giới phải tìm cách giải quyết. Tuyên bố nêu rõ những dòng người di cư và tị nạn khổng lồ đang diễn ra hiện nay là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự ứng phó của cả thế giới.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng ra tuyên bố về các biện pháp chống khủng bố, đảm bảo an ninh mạng, vấn đề cải thiện y tế toàn cầu và đấu tranh vì quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Bên lề hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã xúc tiến cuộc đối thoại với các nước đối tác gồm các nước mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, châu Phi: Indonesia, Lào, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Sri Lanka và Chad (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi).

Trong phiên họp mở rộng này, các bên bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như thảo luận việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở châu Á và các thị trường mới nổi khác.

2. Thảm kịch đã tái diễn trên biển Địa Trung Hải khi bọn buôn người lợi dụng tình trạng vô luật pháp ở Libya và điều kiện thời tiết ấm, biển lặng để đẩy mạnh hoạt động đưa người tới châu Âu. Một tàu chở người di cư đã bị đắm ở ngoài khơi Libya hôm 26-5. Khoảng 100 người được cứu trong khi một số người di cư khác có thể đã chết đuối.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết đã cứu được 4.000 người riêng trong ngày 26-5 khi tiến hành điều phối 22 chiến dịch cứu hộ, nâng tổng số người mà Italy cứu được kể từ ngày 23-5 đến nay lên hơn 10.000.

Trong các chiến dịch riêng rẽ khác, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya thông báo đã chặn được 6 tàu chở hơn 750 người di cư ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này và cứu được một số người khác.

Trước các thảm kịch này, Tổ chức Di trú quốc tế cho biết chỉ có 13 người chết đuối trong tháng 5-2016, so với con số 95 của tháng 5-2015 và hy vọng con số này có thể tiếp tục giảm nhờ các biện pháp tăng cường tuần tra dọc bờ biển Bắc Phi.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện thời tiết thuận lợi trong những ngày qua đã làm tăng vọt số người di cư mạo hiểm vượt biển từ Libya để đến châu Âu.