Thành Hải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

(NTO) Thành Hải là xã duy nhất của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015. Là một xã vùng ven của thành phố, với diện tích tự nhiên 911,74ha. Để sản xuất nông nghiệp bảo đảm tính bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao, Thành Hải đang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy lợi thế vùng để sản xuất chuyên canh; lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để tổ chức sản xuất, Phòng Kinh tế thành phố và UBND xã đã phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức trình diễn một số mô hình sản xuất mới, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn xã... Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa được xã triển khai thí điểm vào năm 2013, trên diện tích 10ha, với tổng kinh phí 258 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ của UBND thành phố 89 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của nông dân. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trên diện tích 160ha. Để giúp nông dân nhân rộng mô hình, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, UBND thành phố còn hỗ trợ giống lúa, hỗ trợ 50% chi phí mua 15 máy sạ hàng cho nông dân. Ông Thành Ngọc Sinh, thôn Thành Ý, cho biết: Nhờ áp dụng mô hình nói trên mà năng suất lúa của gia đình tăng lên, trung bình đạt từ 7-8 tấn/ha, cao hơn so với tập quán canh tác cũ, thu nhập nhờ đó cao hơn từ 5-6 triệu đồng/ha.

 
Nông dân xã Thành Hải đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa, giảm thất thoát trong thu hoạch lúa. Ảnh: S.Ngọc

Ngoài áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, vụ hè-thu năm 2015, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với UBND xã triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất lúa giống tại 2 thôn Tân Sơn 1 và Tân Sơn 2 trên diện tích 10,6ha, với kinh phí trên 288 triệu đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ của UBND thành phố gần 97,5 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của nông dân. Kết quả khi thực hiện mô hình sản xuất lúa giống theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, giá thu mua lúa tươi 5.200 đồng/kg, cao hơn từ 600-800 đồng so với giá lúa thường. Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, thôn Tân Sơn 2: Bước đầu áp dụng, tôi thấy hiệu quả mà mô hình đem lại không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí lúa giống, sử dụng phân bón hợp lý, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên, tạo điều kiện để nông dân làm quen với việc sản xuất lúa giống xác nhận, từ đó hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa giống xã Thành Hải.

Bên cạnh các mô hình trồng trọt, xã Thành Hải cũng chú trọng phát triển các mô hình hỗ trợ chăn nuôi. Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án QSEAP. Thông qua việc xây dựng hầm Biogas từ nguồn vốn của dự án đã lắp đặt được 4 hầm, qua đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Địa phương cũng đã tổ chức được 5 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như kỹ thuật nuôi heo sinh sản, kỹ thuật nuôi gà thả vườn, kỹ thuật trồng nấm rơm…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,18% năm 2011 xuống còn 2,41% vào cuối năm 2015 (theo chuẩn mới), thu nhập đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Cao Hoàng Vũ Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hải, xác địnht: Những năm tiếp theo, địa phương tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Để thực hiện tốt mục tiêu này, ngoài việc chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất lúa; đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Phấn đấu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa giống nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích cho bà con nông dân.