Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016

(NTO) Ngày 31-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra (TĐT) nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 trên phạm vi cả nước. Để giúp bạn đọc và Nhân dân hiểu rõ những vấn đề trọng tâm, tham gia tích cực cuộc TĐT, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, mục đích của TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016?

- Đồng chí Nguyễn Văn Hương: Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BKHĐT ngày 22-3-2016 về phương án TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Đây là TĐT lần thứ 5, vì thế TĐT lần này khắc phục được nhược điểm, thiếu sót của các lần trước; các chỉ tiêu điều tra vừa phải phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội nước ta, vừa đáp ứng từng bước nhu cầu hội nhập thống kê quốc tế và khu vực. Vì vậy, TĐT nhằm đáp ứng 3 mục đích chính, đó là:

Thứ nhất, phục vụ đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương.

Thứ hai, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.

Phóng viên: Như vậy, với mục đích vừa nêu, thì TĐT tập trung vào những nội dung gì?

- Đồng chí Nguyễn Văn Hương: Về nội dung điều tra, TĐT năm 2016 tập trung 3 nhóm thông tin.

- Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp: Thu thập thông tin về đơn vị sản xuất và lao động; tư liệu sản xuất; hoạt động trợ giúp sản xuất; liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo quản sản phẩm; tiêu dùng các sản phẩm nông sản chủ yếu; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tới môi trường.

- Nhóm thông tin về nông thôn: Đánh giá thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn; thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vệ sinh môi trường nông thôn; một số thông tin về tổ hợp tác và làng nghề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã.

- Nhóm thông tin về cư dân nông thôn: Phản ánh điều kiện sống của cư dân nông thôn; thông tin về tích lũy và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; thông tin về đào tạo nghề, nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách khác ở nông thôn; thông tin cơ bản của một số chức vụ lãnh đạo xã...

Như vậy, phương án TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã nêu rõ 3 nhóm nội dung lớn cần điều tra vào năm 2016, trong đó đa số nội dung tương tự như TĐT năm 2011 và một số nội dung bổ sung thêm. Tuy nhiên, những thông tin cần thu thập trong từng nội dung có sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt các thông tin khó thu thập, độ tin cậy thấp hoặc không còn phù hợp với thực tế, đồng thời bổ sung những thông tin cần thiết, phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước hiện nay.

So với TĐT năm 2011, TĐT năm 2016 có những điểm mới:

- Về phạm vi điều tra có mở rộng hơn: TĐT lần này điều tra toàn bộ các hộ có tham gia sản xuất nông, lâm, thủy sản ở khu vực thành thị; điều tra các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản ở khu vực quốc phòng.

- Bổ sung thêm những thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

- Thực hiện điều tra thứ cấp đối với lao động sống tập thể đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn nông thôn; xã đạt tiêu chí nông thôn mới; cánh đồng lớn; sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP; kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản của các đơn vị do Bộ Quốc phòng quản lý.

Phóng viên: Với tầm quan trọng của TĐT, tỉnh ta đã triển khai những hoạt động gì để thực hiện TĐT mang lại kết quả như mong muốn, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Văn Hương: Hiện nay, tỉnh ta đã hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo TĐT các cấp, gồm: 1 Ban chỉ đạo tỉnh, 7 Ban chỉ đạo huyện, thành phố và 56 Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn. Xác định số lượng 754 địa bàn điều tra, lập danh sách (bảng kê) các đơn vị điều tra: 114.536 hộ. Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo và Tổ thường trực cấp huyện, thời gian 5 ngày, bắt đầu từ ngày 30-5-2016. Dự kiến trong tháng 6-2016, Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo TĐT cấp xã, tổ trưởng và điều tra viên. Thời điểm TĐT được tiến hành vào ngày 1-7-2016.

Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi giúp cho chính quyền các cấp đánh giá đúng thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn, nông nghiệp ở địa phương mình một cách tốt nhất.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!