Vấn đề hôm nay:

Cần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai!

(NTO) Cách đây 70 năm, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày nay. Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta; nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ngày 21-3-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22-5 hàng năm là “Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.

Nông dân thôn Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải) nỗ lực đào ao tích trữ nguồn nước bơm tưới 136 ha cây nho cho thu nhập cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai nước ta trong luôn được chú trọng. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 với mục tiêu chung: Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Có thể nói, chưa bao giờ ảnh hưởng của thiên tai ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng từ cuối năm 2014 đến nay đã gây nhiều thiệt hại đến sản xuất và khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của người dân. Thực tế trên càng đòi hỏi công tác phòng ngừa, chủ động trong ứng phó với thiên tai cần được nâng cao hơn bao giờ hết. Ngày 11-5-2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND “về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu chủ động phòng tránh và ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới. Qua đó, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trên cơ sở đó, xây dựng nhiệm vụ hàng năm sát với tình hình thực tế, đặc điểm của từng đơn vị, địa phương. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến từng phường, xã, thôn và đến từng người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi để sẳn sàng chủ động ứng phó các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan…; tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn đạt hiệu quả, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, tu bổ đê điều, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền và các công trình khác. Các huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực của địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất cho Nhân dân. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các giải pháp phòng chống hạn. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu…

Trong thời gian tới, do tác động của hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu khó lường. Do vậy, vấn đề đặt ra là các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân cần đồng lòng, đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, ứng dụng hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của Nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.