Trọng tâm công tác cải cách tư pháp ngành Kiểm sát tỉnh Ninh Thuận năm 2016

(NTO) Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25-12-2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chương trình cải cách tư pháp của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh đã đề ra sáu trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2016, như sau:

Thứ nhất, Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các đạo luật mới về tư pháp: Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 76-KH/TU ngày 28-5-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15-8-2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Kế hoạch số 13-KH/BCĐ ngày 4-9-2015 của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; Chỉ thị số 50-CT/W ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tư pháp.

Triển khai, tổ chức thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các bộ luật, luật về tư pháp.

Thứ hai, Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự: Tập trung thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động phối hợp với cơ quan điều tra đề ra các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế bỏ lọt tội phạm qua việc xử lý hành chính, hạn chế việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý điều tra không đúng thẩm quyền, tăng tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp; định kỳ phối hợp với cơ quan điều tra đánh giá tình hình tội phạm, kết quả tiếp nhận, phân loại, giải quyết và những khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ giải quyết; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm 2015, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND theo quy định của pháp luật, nâng cao số lượng, chất lượng các kiến nghị.

Nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố, chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, đảm bảo các lệnh, quyết định tố tụng có căn cứ pháp lý, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; nắm chắc các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, nhất là việc kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản, bảo đảm việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ. Đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự.

Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng, ứng xử văn hóa của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm việc tranh tụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác diễn ra công khai, dân chủ, đúng pháp luật, góp phần đảm bảo hoạt động xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú tại địa phương; thường xuyên duy trì chế độ kiểm sát đối với nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam không để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam quá hạn, bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng thủ tục và đúng pháp luật.

Thứ ba, Công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật: Viện kiểm sát 2 cấp kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết các vụ án, vụ việc, các trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhất là các bản án, quyết định của Tòa án; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật, không để xảy ra số án bị hủy liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Tòa án đều được lập phiếu kiểm sát và gửi về Viện kiểm sát cấp trên đúng quy định.

Tiếp tục tổ chức các phiên tòa để rút kinh nghiệm; tập trung phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động,... để nâng cao số lượng, chất lượng kiến nghị, kháng nghị.

Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, chú trọng việc kiểm sát phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; kiểm sát chặt chẽ 100% việc ra quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn luật định; tập trung kiểm sát các hồ sơ trả đơn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, cưỡng chế thi hành án, xác minh, phân loại điều kiện thi hành án,... đảm bảo đúng quy định; nâng cao trách nhiệm khi tham gia phiên họp, phát biểu quan điểm về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Thứ năm, Công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 09/KH-BCS ngày 14-8-2014 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao và Chỉ thị 56-CT/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan sai, dư luận xã hội quan tâm. Viện kiểm sát 2 cấp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phấn đấu giải quyết đạt tỉ lệ trên 85% đơn khiếu nại, tố cáo mới phát sinh.Tăng cường kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, tập trung phát hiện những vi phạm pháp luật phổ biến, những thiếu sót, kéo dài để kịp thời ban hành những kiến nghị, kháng nghị.

Thứ sáu, Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch vững mạnh: Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung hướng các hoạt động về cơ sở, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm sát.

Đề cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của người lãnh đạo trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; đề cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành kiểm sát nhân dân, các nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành kiểm sát nhân dân; tăng cường quan hệ, phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp, các ngành, các cấp ở địa phương.

Kiện toàn tổ chức, luân chuyển, bổ nhiệm Viện trưởng cấp huyện không phải người địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; có kế hoạch nâng cao trình độ Thạc sỹ Luật đối với cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch; thực hiện tinh giản biên chế theo quy định; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức phong trào thi đua, gắn với thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.