Vấn đề hôm nay:

Xử lý nghiêm hàng giả trong nông nghiệp!

(NTO) Thực tế ở nhiều vùng nông thôn, bà con nông dân không chỉ bức xúc trước tình trạng giá cả nông sản “nhảy múa” lúc lên, lúc xuống- thường là theo hướng bất lợi cho người sản xuất. Khổ nỗi nông sản nhất là hàng ăn tươi như rau, trái cây, thậm chí là lúa cũng không thể “treo giàn” hay trữ lại để chờ giá vì phần lớn bà con phải vay nợ từ vật tư nông nghiệp đến mọi chi tiêu hàng ngày trong gia đình nên đến vụ đắt, rẻ gì cũng phải bán để trả…mà còn bức xúc khác đó là tình trạng hàng giả trong sản xuất từ giống cây trồng đến vật tư phân bón… Thứ giả này bà con nông dân bó tay “chịu trận” vì không biết đâu mà lần, chỉ đến khi sử dụng kết quả đâu không thấy mà hậu quả là cây trồng thiếu đạm dẫn đến suy kiệt; thuốc bảo vệ thực vật phun sâu, rầy không những không chết mà còn phát triển thêm!. Nhiều bà con cho rằng đây chẳng khác nào hành vi phá hoại sản xuất.

Nông dân thôn Nam Cương (An Hải, Ninh Phước) phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ hè thu 2016. Ảnh: Sơn Ngọc

Quả là khó có thể nhận biết loại hàng giả này. Phân hóa học, phân bón lá, thuốc diệt sâu, rầy… bao bì luôn bắt mắt với nhãn hiệu “cầu chứng” hẳn hoi thì biết đâu là giả, ngoại trừ cơ sở sản xuất và đại lý bán những mặt hàng này. Ngay cả hạt giống cũng vậy.

Một số cơ sở bán lúa giống, bao bì thì ghi rõ giống nguyên chủng; giống xác nhận… nhưng thực chất lại đi mua lúa thịt của nông dân trộn với lúa giống để bán kiếm lợi lớn. Đến khi mua về ngâm thì hạt lép đã chiếm một phần không nhỏ, giống ra không đều. Hoặc giống bắp khi gieo không nảy mầm hay mầm yếu làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ của nông dân…Cần nói thêm rằng, giá mua các loại giống cao gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường. Với những việc làm sai trái đã nêu nông dân chỉ ấm ức trong lòng mà không biết kiện ai, bởi lẽ một phần cả nể, cả tin vào đại lý bán vật tư, giống cây trồng vì đã “gắn bó” mua trước trả sau, một phần là ngại “được vạ má sưng” nên… chấp nhận thua thiệt!...

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Tùy theo mỗi hành vi vi phạm, Nghị định quy định mức phạt khác nhau. Về hành vi vi phạm quy định về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Cụ thể, Nghị định quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không duy trì đầy đủ các điều kiện về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình hoạt động sản xuất; sản xuất thuốc không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp... Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 50 kg (hoặc 50 lít) đến 100 kg (hoặc 100 lít) thuốc thành phẩm. Nghị định cũng quy định vi phạm về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với mức phạt tối đa từ 3-5 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam...

Có thể nói, quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của người sản xuất đã được luật hóa, vấn đề còn lại là cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp, đồng thời bà con nông dân cần cảnh giác, phát hiện báo cho cơ quan chức năng để xử lý những hành vi sai phạm để bảo vệ quyền lợi của mình. Có như vậy mới mong đẩy lùi tình trạng làm ăn gian dối của một số đối tượng chỉ biết lợi cho mình mà không đoái hoài đến thiệt hại cho người khác…