Vấn đề hôm nay:

Thay đổi thói tật đâu dễ!

(NTO) Tỉnh ta đang vào mùa nắng gay gắt và không chỉ vậy, gió cũng gay gắt làm rát bỏng da người. Khổ nhất có lẽ là chị em phụ nữ vì buộc phải... kín như bưng để chống lại cái nắng, cái gió dễ làm “hao mòn” nhan sắc. Rồi cũng quen, duy chỉ điều “khó” quen là mùi hôi bốc lên từ mương ông Cố kéo dài từ Tháp Chàm đến Phan Rang làm cho không ít hộ dân sống dọc theo con mương này phải “chịu trận” trong sinh hoạt thường ngày. Đây cũng chính là hậu quả của việc nước thải của... mọi nhà đều đổ xuống và bắt con mương này gánh chịu. Không chỉ đủ mọi loại nước thải mà chất thải cũng “đẩy” xuống mương từ rác đến xà bần... Nói chung mọi thứ thay vì tự giác đổ đúng nơi quy định thì “được” người dân bằng cách này, cách khác đổ tất tần tật xuống mương.

Người dân chủ động vớt rác khơi thông dòng chảy trên các tuyến mương. Ảnh: Sơn Ngọc

Một số người dân than phiền: Mình có tự giác không đổ, xả thải xuống mương thì người khác cũng làm, cũng ô nhiễm…chung, cho nên “ai sao... tôi vậy!”. Xem ra, tư tưởng này được “phổ biến” nhiều nơi mà kết cục dễ nhìn thấy là rác thải đổ vô tội vạ trong thôn, xóm, khu dân cư, mương nước nhưng...

cũng không thấy chính quyền nhắc nhở hay tổ chức làm vệ sinh mặc dù khi hỏi đến thì đều có kế hoạch bài bản, quy củ, phân công phân nhiệm vụ rõ ràng... Một cán bộ cấp phường cho rằng: Nói thì dễ còn làm không đơn giản. Để vận động người dân làm vệ sinh môi trường thì phải có kinh phí vì khác với thời bao cấp còn có quy định ngày công xã hội chủ nghĩa, nên mọi người đều thực hiện, nay thì khác!. -Vậy còn thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường?. -Tôi hỏi. Anh cán bộ cười khà khà: -Việc này còn tùy vào vận động khéo hay không của lãnh đạo địa phương. Đơn giản như chuyện dán quảng cáo tràn lan, địa chỉ, số điện thoại ghi rành rành nhưng có bắt phạt được ai đâu vì còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan. Cho nên rồi đâu cũng vào đó, người dán cứ dán, người thấy “chướng”, thấy xấu bộ mặt đô thị...thì cứ bóc, chẳng khác gì chạy đèn cù không có hồi kết!.

Suy cho cùng, để đạt đến chuyện “xanh” thì trồng cây và được nhiều người đồng tình vì chỉ có cây xanh nhiều mới tạo được bóng mát, thanh lọc môi trường, còn chuyện “sạch” thì phải bắt đầu từ nhận thức của cán bộ và người dân. Hơn ai hết chỉ có người dân mới là người thực hiện và giám sát việc thực hiện, còn như ngược lại thì khó lòng làm sạch môi trường được. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình làm xấu môi trường bằng hành vi đổ rác, dán cột... bừa bãi. Đây cũng là cách để thay đổi thói tật của những người thiếu ý thức.

Nếu mỗi người chung tay một ít thì tất nhiên môi trường sống sẽ trong lành, mục tiêu tỉnh ta đặt ra: xanh-sạch-đẹp sẽ sớm thành hiện thực.