CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Cán bộ cơ sở

(NTO) Một ngày giữa tuần, tôi ghé Ủy ban nhân dân xã để công chứng ít giấy tờ liên quan. Mới 15 giờ 30 mà cơ quan công quyền vắng lặng. Vào phòng “Một cửa”, cô văn thư đang ngồi lướt Iphone, bảng tên không đeo vào người mà để cạnh bàn.

Cô hẹn 8 giờ sáng mai đến lấy vì lãnh đạo Ủy ban có việc xuống địa bàn thôn, không ai ký!?... Có lẽ xã này cự ly xa huyện hơn các đơn vị khác, nên chưa được Ủy ban nhân dân cấp trên “chăm sóc”, kiểm tra chế độ công vụ lần nào hay sao mà giờ giấc, tác phong cán bộ công chức hay nội quy, quy chế công sở chưa được thực hiện nghiêm túc?

Còn các cụ “già làng trưởng bản” cạnh nhà tôi thường hay ví von, cán bộ cơ sở quả là… thiên tài, đang làm việc A, nếu cần bố trí sang việc B, C, D đều được cả, vẫn nhận và cười khà khà, thế mới… kinh chứ. Có thể nói “nôm na” thế này, chính quyền cơ sở là nơi trực tiếp triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân. Và cán bộ cơ sở được đòi hỏi phải hết sức năng động, nhạy bén trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình thì cái “guồng máy” chính quyền hoạt động mới hiệu quả, mới trơn tru, không bị hỏng hóc. Theo số liệu có được, thì nơi tôi ở là xã loại 2, “thực trạng” của lực lượng cán bộ cơ sở: Đối với công chức, về trình độ chuyên môn, có 7,6% chưa qua đào tạo, có trình độ sơ cấp là 2,2%, trung cấp là 59,4%... Còn số cán bộ không chuyên trách chưa qua đào tạo chuyên môn có 31,1%, số có trình độ sơ cấp 6,5% và trung cấp chiếm 36,1%…

Như vậy đã rõ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhìn chung thấp hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Công chức cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp trung cấp chiếm đại đa số, cán bộ không chuyên trách chưa qua đào tạo có tỷ lệ cao. Nhưng đó chỉ mới là con số thống kê trên văn bằng, chứng chỉ, còn trong thực tế, không ít cán bộ, công chức cấp xã chỉ ở trình độ “cầm tay chỉ việc”, nên khi tham mưu trong quản lý nhà nước và giải quyết các thủ tục hành chính đối với công dân còn nhiều lúng túng, dẫn đến gây bức xúc trong Nhân dân. Nông nghiệp là lĩnh vực chính ở nông thôn nhưng nhiều người trong đội ngũ này ít am hiểu về kỹ thuật, về kinh tế nông nghiệp nên tham mưu chưa tốt cho lãnh đạo để điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang gặp phải những thách thức lớn trước đòi hỏi chính quyền lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn hiện nay. Trong khi đó, lực lượng đông đảo sinh viên tốt nghiệp đại học, được đào tạo cơ bản thì không được tuyển dụng, dẫn đến tình trạng nguồn lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa thừa, lại vừa thiếu. Đây cũng là một nghịch lý, các cấp, các ngành có trách nhiệm cần kịp thời tháo gỡ trong thời gian sớm nhất có thể!