Vấn đề hôm nay:

Lời cảnh báo không bao giờ cũ!

(NTO) Có thể nói, từ đầu năm đến nay dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó lo ngại nhất là sức khỏe của mọi người bởi mỗi bữa ăn thường ngày của nhiều gia đình luôn “ám ảnh” thực phẩm không sạch, từ rau xanh người trồng sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu với dư lượng tồn dư cao, đáng nói là một số nơi rau “nhiễm độc” này còn vào cả siêu thị-nơi mà khách hàng vốn tin tưởng “hàng sạch”; đến gia súc, gia cầm người nuôi sử dụng chất tạo nạc, thuốc kháng sinh và một số chất khác để thúc tăng trọng, giảm mỡ, bán được giá cao... Gần đây, dư luận lại “nóng” lên trước tình trạng cá biển chết hàng loạt bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mà “nghi can” có thể là do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải...(và cho đến nay tuy cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có ngả ngũ nguyên do!). Chuyện cá, tôm chết “liên tỉnh” này đã trở thành “vấn nạn” của môi trường biển và môi trường sống. Cụ thể là người dân nhiều vùng biển phải hứng chịu thiệt hại nặng nề vì không thể hành nghề đánh bắt hải sản do người tiêu dùng e dè, thiếu tin, không dám sử dụng hải sản vì sợ người bán “lập lờ” giữa cá tự chết vì “nhiễm độc” với cá ngư dân khai thác; hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng và thiệt hại đáng kể... Trước thực trạng trên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương có ngư dân bị thiệt hại cần thống kê, đề xuất biện pháp hỗ trợ, giúp sớm ổn định cuộc sống; không để xảy ra thiếu đói cho người đánh bắt hải sản.

Người tiêu dùng lựa chọn mua cá biển tại Đầm Nại, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc

Mặt khác, làm rõ nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường để có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm... Dư luận đang chờ kết luận chính thức về nguyên nhân và cách xử lý. Tuy nhiên, hiện hữu đó là môi trường biển vốn dĩ là đất sống bao đời của ngư dân bỗng nhiên bị hủy hoại và chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được. Đó là chưa tính đến hệ lụy khác là dù sau đó hải sản không còn chết bất thường nhưng liệu có bình thường như vốn có- đây chính là yếu tố hàng đầu về sự an toàn thực phẩm từ biển này làm cho nhiều người tiêu dùng lo ngại...

Đối với tỉnh ta, tuy chưa có những vụ việc lớn lao nhưng cũng từng xảy ra một số trường hợp gây ô nhiễm môi trường như Nhà máy Sản xuất tinh bột mì trên địa bàn huyện Ninh Sơn, nhà máy Chế biến hải sản xuất khẩu Thông Thuận... Thực ra, mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất công nghiệp với tác động xấu đến môi trường không phải là không có biện pháp xử lý nếu tuân thủ đầy đủ các quy định. Thực tế, các chủ đầu tư nhà máy luôn tìm mọi cách “lách” để giảm chi phí xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường... để giảm chi phí. Điều này thì dường như các cơ quan chức năng đều biết nhưng để xử lý thì còn tùy thuộc vào quyết tâm và trách nhiệm của ngành liên quan. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ta đã xây dựng được mô hình quản lý môi trường cộng đồng tại một số nơi có nhà máy sản xuất công nghiệp để giám sát tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Đây là cách làm hay cần nhân rộng để giảm tình trạng ô nhiễm hướng đến phát triển kinh tế xanh, sạch nghĩa là phát triển gắn với bảo vệ môi trường như chủ trương tỉnh ta đã đề ra.

Suy cho cùng, từ vụ việc nêu trên đã như lời cảnh báo thiết tha về yêu cầu phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống trong lành cho người dân. Ai đó đã nói rất sâu sắc rằng: Nếu tác động đến thiên nhiên một thì sẽ nhận lại hậu quả gấp chục lần!. Có thể coi đây là lời cảnh báo không bao giờ cũ vậy!.