DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Ma Nới nâng cao chất lượng đàn bò sinh sản

(NTO) Ma Nới là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Ninh Sơn. Toàn xã có 6 thôn, với gần 1.150 hộ dân, hơn 4.600 nhân khẩu; trong đó, hơn 95% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), những năm gần đây, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương ngày càng có hiệu quả.

Theo Ban Phát triển xã, hiện nay, hầu hết các hợp phần và tiểu hợp phần của Dự án HTTN thực hiện tại Ma Nới đã kết thúc theo kế hoạch. Trong năm 2016, chỉ còn lại nguồn vốn thực hiện hỗ trợ 15 bò cái sinh sản từ nguồn quỹ CSG năm 2015 chuyển qua, dự kiến trong quý II năm nay sẽ bàn giao bò cho các nhóm chung sở thích. Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã, cho biết: Có thể nói dự án đã hỗ trợ rất tích cực cho địa phương, qua 5 năm thực hiện, trước hết phải kể đến sự chuyển biến trong nhận thức về sản xuất nông nghiệp của người dân qua việc tập huấn, nâng cao tay nghề trong trồng trọt và chăn nuôi. Tiếp đó là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, đường ra các khu sản xuất được nâng cấp, xây dựng, đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân tăng gia sản xuất. Một điểm nổi bật nữa là địa phương đã hình thành được các tổ hợp tác, nhóm chung sở thích về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển theo hướng lợi ích tập thể.

Chị Ka-tơ Dựng, thôn Gia Rót được Dự án HTTN hỗ trợ bò giống.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù lợi ích từ dự án mang lại khá lớn, tuy nhiên trong quá trình triển khai, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kèm theo hạn hán kéo dài trong gần hai năm qua, nên việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của các nhóm chung sở thích tại xã Ma Nới gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc duy trì và nhân rộng để kéo dài hoạt động các mô hình. Tính đến nay, trong số 19 nhóm chung sở thích được thành lập để hỗ trợ phát triển thì chỉ còn 12 nhóm nuôi bò sinh sản là đang có hướng phát triển tương đối tốt. Số nhóm còn lại phát triển các chuỗi giá trị như: chuối, gà, dê và heo đen hầu như chưa mang lại hiệu quả.

Trước thực tế trên, ưu tiên tập trung xây dựng đàn bò sinh sản theo hướng phát triển bền vững cho các nhóm chung sở thích còn lại đang được Ban Phát triển xã hướng đến. Qua rà soát, hiện nay, số lượng đàn bò toàn xã Ma Nới đã có trên 2.000 con, trong đó ngoài một số trang trại lớn, thì nhiều hộ gia đình đã bước đầu nuôi theo mô hình chuồng trại, nuôi kết hợp bò rẽ và biết cách sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp dự trữ, đây là một thuận lợi để các nhóm sở thích chăn nuôi bò tại địa phương liên kết, học tập, từ đó phát triển và nhân rộng tại nhóm của mình.

Điển hình như nhóm nuôi bò sinh sản thôn Gia Rót, do chị Katơr Thị Dựng làm nhóm trưởng, với 5 thành viên. Ngoài một con bò cái được dự án hỗ trợ, hầu hết các chị em trong nhóm đều nhận nuôi thêm bò rẽ cho các hộ khác từ 3-5 con. Theo chị Dựng, việc kết hợp nuôi như thế sẽ khiến chất lượng đàn bò nhanh phát triển hơn, ngoài ra sẽ không bỏ phí chuồng trại được dự án đầu tư nếu chỉ nuôi một con. Đồng thời, khi kết thúc giai đoạn chuyển giao con giống, ngoài sản phẩm con bò cái nhận được từ dự án thì các thành viên còn có thể nhận thêm giống từ các hộ mình nhận nuôi bò rẽ, từ đó việc gầy đàn sau này mới nhanh hơn. Tính đến nay, ngoài 5 con bò cái mà nhóm chị Dựng nhận được từ Dự án HTTN, thì nhóm còn nhận nuôi khoảng 15 con bò rẽ.

Một điều đáng mừng, mặc dù diện tích đồng cỏ tại xã Ma Nới khá hạn chế và việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tại địa phương chưa thật sự phổ biến, nhưng nhờ được cán bộ Dự án HTTN hướng dẫn sử dụng, dự trữ nguồn phụ phẩm nông nghiệp nên hầu hết các thành viên của các nhóm chăn nuôi bò trên địa bàn xã, hộ nào cũng có thêm nguồn thức ăn phụ cho đàn bò trong mùa hạn này.

Theo kế hoạch của Ban Phát triển xã, để tạo được sự liên kết giữa các hộ dân với nhau và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi bò sinh sản tại địa phương, hiện nay, tất cả các nhóm được thành lập từ Dự án HTTN đều được chuyển giao qua cho Hội Nông dân xã trực tiếp quản lý, theo dõi và hướng dẫn.

Ông Chôrô Phấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ma Nới, cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân đang kiểm tra, rà soát để đánh giá lại toàn bộ hoạt động và chất lượng của các nhóm. Qua khảo sát bước đầu, một số nhóm đã đến giai đoạn chuyển giao bò giống để hưởng lợi, tuy nhiên để tạo được lợi ích lâu dài và bền vững cho bà con, việc hưởng lợi sẽ thực hiện dựa trên quy chế hoạt động của các nhóm đã đề ra. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt, hạn chế chăn thả, đồng thời có kế hoạch phát động phong trào thi đua giữa các nhóm để tạo nguồn động viên cho các nhóm phát triển chất lượng hơn.