Vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chỗ dựa vững chắc cho người nghèo

(NTO) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Ninh Thuận được thành lập từ tháng 4-2003. Qua 13 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng CSXH tỉnh đã khẳng định là công cụ quan trọng của Đảng và chính quyền các cấp trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng cho vay, với tổng dư nợ hơn 1.422 tỷ đồng/92.515 khách hàng vay. Trong đó, vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức Hội: Nông dân, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên và Phụ nữ là 1.419 tỷ đồng/73.022 hộ gia đình vay (chiếm 99,9% tổng dư nợ). Cụ thể, nhiều nhất là Hội Phụ nữ có 847 tổ/37.590 hộ được vay, với tổng dư nợ trên 742 tỷ đồng; Hội Nông dân có 437 tổ/18.114 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 352,2 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên có 242 tổ/10.150 hộ vay, với dư nợ 185,2 tỷ đồng và Hội cựu Chiến binh 182 tổ/7.168 hộ vay, với dư nợ trên 139,8 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm nay, doanh số cho vay của đơn vị đạt 124 tỷ đồng/9.141 lượt hộ gia đình được vay và doanh số thu nợ đạt 82 tỷ đồng.

Cán bộ tín dụng NHCSXH triển khai chính sách vay vốn tại xã Phước Hậu (Ninh Phước).
Ảnh: Anh Tuấn

Qua đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh cho thấy, đa số các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hoàn trả lãi gốc đúng kỳ hạn. Nhiều hộ từ chỗ nghèo khó, đến nay đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà ở. Điển hình như gia đình chị Ka-tơ Thị Nhung (thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, Bác Ái) trước đây từng là hộ nghèo. Năm 2005, chị được giới thiệu vay 25 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Từ số tiền trên, chị đầu tư 20 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản, số tiền còn lại chị đầu tư vào sản xuất 2ha đất rẫy trồng bắp, đậu xanh. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 10 con, vừa qua, chị đã rút bán 4 con để mua thêm 5 sào đất ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ, năng suất đạt 5,5 tạ/ha. Chị Nhung chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã giúp cho kinh tế gia đình ngày càng phát triển, theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập từ các mô hình trên khoảng 50 triệu đồng.

Với phương châm cho vay không vì mục đích lợi nhuận, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thuộc diện chính sách có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.700 tổ/73.000 hộ đang vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Để tránh tình trạng bà con sử dụng vốn sai mục đích, trước khi đưa vốn về cho bà con, Ban đại diện-Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) tỉnh và các huyện, thành phố luôn chỉ đạo Ban giảm nghèo các xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phải thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng chính xác, trên cơ sở công khai, dân chủ có sự bàn bạc thống nhất từ Ban quản lý thôn và sự tham gia của Nhân dân. Khi nguồn vốn đã đến tay người dân, Ban giảm nghèo các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp với Trạm Khuyến nông địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để các hộ nghèo mạnh dạn đầu tư đồng vốn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, BĐD-HĐQT các cấp còn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để cùng Ban giảm nghèo các xã, các tổ, nhóm vay vốn phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng, phân loại đối tượng để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp, nhờ vậy đã hạn chế được nhiều thiếu sót trong hoạt động cho vay.

Hiện nay, tình hình nắng hạn đang kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh. Để chia sẻ kịp thời khó khăn với người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình thuộc diện chính sách, theo kế hoạch, năm 2016, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh là 14%. Riêng trong quý I, Ngân hàng CSXH tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng 51 tỷ đồng, gồm: Chương trình cho hộ nghèo vay: 25 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo: 20 tỷ đồng và Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 6 tỷ đồng. Để đạt được chỉ tiêu giao, ngay từ đầu năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp các địa phương, đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ vay. Bên cạnh đó, đơn vị còn tham mưu cho cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23-4-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Không những vậy, Ngân hàng CSXH tỉnh còn chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố, Ban giảm nghèo các xã quan tâm giúp đỡ hộ vay các bước từ làm hồ sơ, đến sử dụng vốn để nâng cao hiệu quả tín dụng ưu đãi. Với sự nỗ lực của mình, kết thúc quý I, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng 41,23 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng trưởng đạt 3%).

Để hoàn thành chỉ tiêu còn lại, hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời tiếp tục kiến nghị Ngân hàng CSXH Trung ương cân đối nguồn vốn cho hộ nghèo vay và các đối tượng chính sách khác tại địa phương vay. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, nhất là nợ quá hạn. Tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể để chỉ đạo cấp huyện, cấp xã nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Thường xuyên chỉ đạo công tác củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch đã xây dựng, để phát triển tín dụng an toàn và hiệu quả.