Trại giam Sông Cái: Hội nghị gia đình phạm nhân...

(NTO) Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Trại giam Sông Cái tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân.

Và năm nay, ngày 26-4, lần thứ 4 Hội nghị gia đình phạm nhân được tổ chức với nhiều điểm mới, tính nhân văn và mức độ xã hội hóa công tác giáo dục phạm nhân sẽ được lan tỏa nhiều hơn. Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận là một trong nhiều thành viên của tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể, chính quyền và ban, ngành, địa phương được mời tham dự hội nghị này...

Trại giam Sông Cái tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân (năm 2014).

Việc giáo dục, giúp đỡ phạm nhân từ trước đến nay có rất nhiều biện pháp đã được áp dụng; Luật Thi hành án hình sự ngày 17-6-2010 có quy định về chế độ gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân (Điều 46). Theo đó, phạm nhân được gặp thân nhân 1 lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá 1 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 3 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 1 lần trong một tháng. Việc gặp thân nhân và nhận quà đã được thực hiện cùng với nhiều hoạt động khác theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trong công tác quản lý, tổ chức giáo dục, cảm hóa phạm nhân; cán bộ, chiến sỹ Trại giam Sông Cái đã vận dụng nhiều biện pháp và tỷ lệ phạm nhân chấp hành tốt nội quy, kỷ luật trại giam ngày càng cao; số phạm nhân được giảm án, tha trước thời hạn và hưởng chế độ đặc xá đều có những tiến bộ rõ rệt. Những kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu với nhiều công sức, với nhiều đối tượng rất đáng trân trọng về tính nhân văn trong giáo dục, cảm hóa đối tượng rất đặc biệt và có nhiều tính “nhạy cảm” này... Hội nghị gia đình phạm nhân là một sáng kiến trong quá trình thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước. Chỉ với tên gọi “Hội nghị gia đình phạm nhân” cũng đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một “hội nghị” rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ sự giáo dục đối với phạm nhân không chỉ là mối quan hệ giữa phạm nhân với cán bộ quản giáo, mà điểm mới rất đặc biệt đó là gia đình của phạm nhân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với người thân, với đứa con lầm lỗi để các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, các đoàn thể, đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành cùng chia sẻ, cảm thông.

Chúng ta điều biết, với ý nghĩa nhân văn cao đẹp về truyền thống của dân tộc Việt Nam; thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày gia đình Việt Nam. Ý nghĩa cao đẹp của Ngày gia đình Việt Nam cũng đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào “Hội nghị gia đình phạm nhân”. Mỗi lần tổ chức là mỗi lần những tình cảm thân thiết của phạm nhân với gia đình được nâng lên, gắn chặt hơn. Hai tiếng “gia đình” đã được mở rộng theo hướng xã hội hóa với sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương để công tác cảm hóa, giáo dục phạm nhân ngày càng tiến bộ và hiệu quả hơn. Điều đáng quan tâm là thông qua “Hội nghị gia đình phạm nhân”, tính bình đẳng về trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với phạm nhân và gia đình của những phạm nhân được nâng lên rõ rệt, tính nhân văn cũng từ đó được lan tỏa...

Người viết bài này đã không ít lần chứng kiến những phút giây gặp gỡ của gia đình, thân nhân đối với phạm nhân; đã đọc không ít “thư gửi lời xin lỗi” của phạm nhân đối với người thân (trong đó có lời xin lỗi đối với người và gia đình người bị hại cũng như các đối tượng khác), nhưng “Hội nghị gia đình phạm nhân” là đỉnh cao của những cảm xúc với nhiều ý nghĩa cao đẹp. Hy vọng thắp sáng ước mơ và khát vọng hoàn lương của những phạm nhân đã được chấp cánh từ diễn đàn có tên gọi rất thân thương “Hội nghị gia đình phạm nhân” ...