Thế giới trong tuần

1. Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, một phiên họp đặc biệt được triệu tập tại Đại hội đồng LHQ quy tụ đại diện của 193 quốc gia thành viên để tìm kiếm một giải pháp đối với vấn nạn ma túy trên toàn cầu diễn ra trong 3 ngày đầu tuần. Đại diện các quốc gia thành viên, các nhóm vận động, các học giả… thảo luận về cách thức mới để đối phó với nạn sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có tới 400.000 người chết vì ma túy trên toàn thế giới và 27 triệu người sống trong các cơn nghiện ma túy. Những người sử dụng ma túy chiếm 30% các ca nhiễm mới HIV/AIDS. Trong khi đó, những người nghiện ma túy cũng chính là nguồn lây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C… trên toàn cầu. Báo cáo về tình hình ma túy trên thế giới cho thấy khoảng 264 triệu người, tương đương với hơn 5% dân số thế giới, trong độ tuổi từ 15-64 từng sử dụng ma túy trái phép.

Những ý kiến trái chiều liên tục được đưa ra tại Đại hội đồng LHQ nhằm tìm ra phương cách mới trong cuộc chiến chống ma túy trên toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng nếu coi cuộc chiến chống ma túy là một cuộc chiến của cả thế giới, cần có phương pháp mới để chiến thắng ma túy bằng cách giảm hình sự hóa và đặt con người vào vị trí trung tâm trong các giải pháp. Việc trừng phạt, bắt giữ, bỏ tù sẽ chỉ làm nhà tù đầy chật thêm các nạn nhân, trong khi điều này không thể khiến người nghiện từ bỏ ma túy. Thay vào đó, ngành y tế cộng đồng cần tìm tới những người nghiện để giúp họ cắt những cơn nghiện, xã hội cần có những chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để những người trẻ tuổi không lao vào cám dỗ của ma túy.

Tại nhiều nước trên thế giới, hàng tỷ USD đã được sử dụng và hàng triệu người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực vì ma túy, tuy nhiên ma túy vẫn tồn tại nhởn nhơ trước vòng pháp luật. Ở Mỹ và một số nước phương Tây, nghiện ma túy ngày càng được xem như một căn bệnh. Trong khi đó, cần sa đang dần được hợp pháp hóa ở nhiều nơi.

2. Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đẩy mạnh việc thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển chung, nhằm đối phó với dòng người di cư vào châu Âu qua đường biển.

Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan cho biết, lực lượng trên sẽ được thành lập dựa trên mô hình của Cơ quan Biên phòng EU Frontex, song có quyền lực và nguồn lực mạnh hơn. Lực lượng bờ biển sẽ có thể đi vào hoạt động trong mùa hè tới. Lực lượng này có nhiệm vụ can thiệp nhanh vào những điểm nóng trên tuyến biên giới vòng ngoài của EU – nơi có thể bị quá tải với làn sóng người di cư.

Kể từ sau khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận về điều tiết dòng người di cư vào tháng 3, số lượng người di cư tới các đảo của Hy Lạp đã giảm hẳn. Tuy nhiên, giới chức EU lo ngại về sự xuất hiện của một tuyến đường di cư mới qua Địa Trung Hải, dài và nguy hiểm hơn từ châu Phi tới Italy.

Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức nhân đạo, tình trạng bạo lực đang gia tăng ở mức báo động tại các trại tị nạn biên giới Hy Lạp và Macedonia. Xô xát thường xuyên diễn ra, nhiều vụ sau đó trở thành bạo động và người di cư dùng gậy gộc, gạch đá để đương đầu với cảnh sát.

Trong khi đó, ngày 21-4, Cơ quan tị nạn LHQ vừa mới công bố một thông tin chấn động-500 người di cư có thể đã thiệt mạng ngoài khơi Địa Trung Hải sau một vụ chìm tàu xảy ra cuối tuần qua. Do số lượng người quá đông, tàu đã bị quá tải, dẫn đến thảm kịch trên. 500 người bị cho là đã thiệt mạng, 41 người sống sót được đưa tới Hy Lạp. Đây được xem là vụ chìm tàu tồi tệ nhất trong vòng một năm qua.