Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các sản phẩm một số cây trồng đặc trưng của tỉnh

(NTO) Ninh Thuận được biết đến là vùng đất với đặc thù lượng mưa trung bình thấp, bình quân của nhiều năm là 700mm, nhiệt độ bình quân năm là 27,5°C, lượng bức xạ mặt trời rất lớn, trên 230 kcal/cm2, số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Từ những đặc thù về khí hậu này đã tạo cho Ninh Thuận có những cây trồng đặc sản và có giá trị kinh tế cao mang tính đặc thù của địa phương như nho, táo, hành, tỏi…

Theo số liệu báo cáo quy hoạch phát triển ngành Nông-lâm-thủy sản tỉnh giai đoạn 2011-2020, tính đến năm 2014, tổng diện tích cây nho toàn tỉnh có 1.019ha, táo 1.055ha, tỏi 148ha, hành 763ha và quy hoạch phát triển cây nho đến năm 2015 là 2.000ha, đến năm 2020 ổn định 2.500ha. Trong đó, có 20% diện tích trồng nho rượu; quy hoạch ổn định 1.000ha đất trồng táo; tập trung phát triển 450ha hành, tỏi ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và Ninh Hải, sản lượng khoảng 5.000 tấn.

Trong thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai gần 24 đề tài nghiên cứu cây nho về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản và chế biến... Đối với cây tỏi và hành tím chỉ mới triển khai các mô hình trồng theo hướng rau an toàn và áp dụng các phương pháp bảo quản giống. Bên cạnh đó, các sản phẩm cây trồng chủ lực có thế mạnh tiềm năng khác như: Nha đam (hiện nay tại Ninh Thuận đã có nhà máy chế biến sản phẩm từ nha đam); cây măng tây xanh, cây mì…

 
Sản phẩm nho được chứng nhận bảo hộ "Chỉ dẫn địa lý Nho
Ninh Thuận", góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.  Ảnh: B.Thương

Tỉnh cũng đã xác định các đối tượng cây trồng như: Nho, táo, hành, tỏi… là những cây trồng chủ lực và đặc hữu của địa phương thông qua việc chỉ đạo xây dựng hoàn thiện cơ sở khoa học thực tiễn để bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm cây trồng này. Về cây nho, ngày 7-2-2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho; đối với táo và tỏi, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho Táo Ninh Thuận và Tỏi Phan Rang vào năm 2013.

Về các chính sách phát triển, nhân rộng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 ban hành Đề án về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Chỉ đạo ngành Khoa học và Công nghệ tập trung phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các đề án nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ cho các huyện, thành phố. Năm 2015, tỉnh đã ban bành các chủ trương về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn theo hướng dẫn của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ, Quyết định số 67/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ; các chính sách hỗ trợ về đầu tư công nghệ trong chế biến và thương mại hóa các sản phẩm đặc thù của tỉnh từ ngành Công Thương (chính sách khuyến công)...

 
Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) áp dụng mô hình bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi hại trái táo,
tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Anh Tùng

Việc triển khai nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đồng thời kết hợp hỗ trợ xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh, thương hiệu đi kèm với những chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển việc chế biến, sản xuất các sản phẩm cây trồng đặc thù của địa phương là một hướng đi đúng đắn của tỉnh hiện nay.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao có sự phối-kết hợp đồng bộ từ khâu đất sản xuất, giống cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới hạn chế rủi ro, khắc phục bệnh hại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đi đến khâu công nghệ sau thu hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm dành cho các đối tượng cây trồng và liên kết phát triển thị trường, đòi hỏi cần phải có sự tham gia, kết hợp giữa các ngành có liên quan. Bên cạnh đó là sự tham gia của các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp để có thể duy trì và phát triển ổn định diện tích các đối tượng cây trồng mà quy hoạch của tỉnh đã đề ra.

Với mục tiêu đó, giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là năm 2016, ngành Khoa học và Công nghệ đã chủ động liên kết với các viện, trường đầu ngành như: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Nha Trang, Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh)... để tư vấn đề xuất cho tỉnh về định hướng nghiên cứu tổng thể, tìm kiếm, giới thiệu công nghệ mới, các quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; kết hợp với diễn đàn kết nối nhu cầu công nghệ thường kỳ giữa Sở Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm ổn định và phát triển các sản phẩm cây trồng chủ lực của địa phương, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và liên kết về tiêu thụ đầu ra về nguyên liệu.

 
Mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây hành, tỏi ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M

Trên cơ sở đánh giá tổng quan, hiện trạng sản xuất các cây trồng chủ lực của địa phương như nho, táo, tỏi và các quy trình ứng dụng sản xuất hiện nay, ngành sẽ tập trung tìm kiếm, giới thiệu và chuyển giao các nghiên cứu về công nghệ sản xuất, các ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các sản phẩm từ một số cây trồng đặc trưng của tỉnh: Nho, táo, tỏi, măng tây…, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan đề xuất xây dựng được một chương trình định hướng mang tính toàn diện nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất, phát triển các sản phẩm từ nho, táo, hành, tỏi…, tạo sự phát triển cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường, kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng với sự hỗ trợ chính sách của các ngành có liên quan để thương hiệu sản phẩm nho, táo, hành, tỏi của Ninh Thuận có thể vươn lên và phát triển một cách bền vững.