Tầm nhìn công nghiệp

(NTO) Năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, ngành Công nghiệp (CN) tỉnh ta còn rất khiêm tốn, nhưng sau 24 năm nỗ lực bứt phá vươn lên, đến nay đã có những bước chuyển mình ấn tượng, với số lượng dự án đầu tư ngày càng nhiều, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Những chuyển động tích cực

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột ưu tiên phát triển được xác định rất rõ, gồm 4 cụm ngành chính là: Năng lượng sạch; du lịch; nông-lâm-thủy sản; sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và Kinh doanh bất động sản. Để cụ thể hóa quy hoạch thành cơ hội phát triển, ngoài việc thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO), những năm qua, tỉnh còn “dồn sức” cho ngành CN, như: Đẩy mạnh thu hút đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Mặt khác, để tăng cường tính minh bạch, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, tỉnh còn công khai quy hoạch chi tiết của các huyện, thành phố và các ngành. Tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển để kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực. Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đến nay, môi trường đầu tư của tỉnh ta ngày càng được cải thiện đáng kể. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2011-2015, toàn tỉnh có 164 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 32.630 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực CN có 90 dự án, tổng vốn 27.205,7 tỷ đồng. Chấp thuận địa điểm đầu tư cho 37 dự án, với tổng vốn đăng ký 67.709,8 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực CN có 28 dự án, với tống vốn 66.579 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2016, tỉnh ta đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 3 dự án, với tổng vốn 82,8 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến nay lên 276 dự án, với tổng vốn đăng ký 55.056,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án khác, với tổng vốn đăng ký 252 tỷ đồng.

 
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú vào ca sản xuất. 

Điểm đáng chú ý là đến nay một số dự án đầu tư mới, như: Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận, Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận, Nhà máy Dệt may Quảng Phú... đã phát huy năng lực sản xuất rất tốt, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Cụ thể, nếu ở thời điểm cuối năm 2010, khi các nhóm ngành kể trên chưa đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN chỉ đạt 1.460 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2015 đạt con số trên 3.000 tỷ đồng. Riêng trong quý I-2016, giá trị sản xuất ngành CN ước đạt 1.279,59 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ. Trong đó, có 14/18 sản phẩm đạt, vượt kế hoạch; 4 sản phẩm tăng mạnh, gồm: Gạch không nung tăng 65,2%, nhân điều tăng 45%, tôm đông lạnh tăng 30,7% và khăn bông tăng 24,9%. Đó là chưa kể các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thủ CN và làng nghề đang duy trì sản xuất ổn định, góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất chung của ngành.

Tái cơ cấu để phát triển

Tỉnh ta hiện có 3 khu và 6 cụm CN nằm tập trung ở các địa phương là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải và Ninh Sơn. Nếu nhìn một cách tổng thể thì các khu, cụm CN tỉnh ta chưa đủ mạnh để vực dậy tiềm năng nội tỉnh. Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân làm cho phần lớn dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tại các khu, cụm CN nói riêng trong thời gian qua chậm triển khai so với cam kết là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, làm giá vật tư xây dựng đang chênh lệch khá cao so với mức giá dự kiến trước đó, nên nhiều nhà đầu tư còn dè dặt. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do năng lực tài chính hạn chế, nên đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của các ngân hàng. Một vấn đề không thể loại trừ nữa, đó là nhiều nhà đầu tư đang thực hiện “kế sách giữ đất” để tìm đối tác sang lại dự án.

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: TL

Để tạo bước đi cụ thể theo lộ trình, hướng đến khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, từ đó phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của ngành theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngày 13-5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1925/KH-UBND thực hiện Đề án Tái cơ cấu lại ngành Công Thương. Nội dung của tái cơ cấu chia theo từng lĩnh vực để thực hiện; trong đó, lĩnh vực CN sẽ tập trung tái cơ cấu 4 ngành chính là CN chế biến, CN năng lượng, CN khai khoáng và CN hỗ trợ. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đã phân kỳ kế hoạch thành 2 giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 tập trung đầu tư hoàn thành và mở rộng các khu, cụm CN, hình thành trung tâm năng lượng sạch và vùng chế biến thủy sản tâp trung.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim. 

Trên cơ sở tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn thách thức, hiện tại ngoài việc xây dựng quy hoạch chung cân đối, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù của địa phương với các tiểu vùng kinh tế, tỉnh ta còn đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất CN có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Thực hiện chính sách trên, đến nay ngoài một số dự án, như: Nhà máy Chế biến hạt điều, Sản xuất máy chế biến nông sản; Nhà máy Rượu vang nho (Công ty TNHH Đồ uống Phan Rang); Dự án Thủy điện Đa Nhim mở rộng; Dự án Điện gió Công Hải 1; Dự án Nâng công suất Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2)... đang được đầu tư, dự kiến trong năm 2016 hoàn thành và đi vào hoạt động, tỉnh còn đang “ấp ủ” nhiều dự án lớn đang trong giai đoạn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, có 6 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời đang lập thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến trong năm nay có thêm 1 dự án điện gió và 2 dự án thủy điện Tân Mỹ, tích năng Bác Ái và 3 dự án khác là: Trung tâm sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ G3 của Công ty Cổ phần Thủy sản Việt-Úc; Dự án Nhà máy chế biến nước mắm của Công ty TNHH Thái Phong Seafood và Cửa hàng Xăng dầu Phước Vinh của Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Kiểm Linh sẽ được khởi công. Khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo năng lực mới, hứa hẹn đóng góp vào sự tăng trưởng cho ngành trong thời gian tới là rất lớn. Phấn đấu đến năm 2020, đưa giá trị sản xuất ngành CN đạt khoảng 13.676 tỷ đồng, tăng 2,43 lần so với năm 2015; trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 19-20% và giá trị tăng thêm ngành CN trong cơ cấu kinh tế đạt khoảng 26,8%, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.