Đến với bài thơ hay: Hạt thóc

Cái ngày còn mặc áo xanh

Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi

Thóc xoa phấn trắng quanh người

Cho thơm cả ngọn gió xuôi mặt cầu

Lớn rồi, thóc mặc áo nâu

Dầm mưa dãi nắng nuôi bầu sữa căng

Chờ ngày, chờ tháng, chờ năm

Nứt tung vỏ trấu tách mầm cây non.

Thóc nằm như giấc ngủ ngon

Mà lòng thao thức như con mắt nhìn.

Kim Chuông

LỜI BÌNH:

Các em thiếu nhi yêu quý, có ngày nào mà các em không nâng niu trên đôi tay mình bát cơm? Hạt, từng hạt cơm trắng đã nuôi ta lớn khôn tự lúc nào. Cơm ăn đã trở thành quen thuộc, thân thiết, ân tình với mỗi chúng ta như khí trời, như ánh sáng. Nhưng từ hạt thóc làm ra gạo, ra cơm được sinh ra như thế nào? Để có hạt cơm trắng ngần thơm thảo, người nông dân đã phải vất vả, “một nắng, hai sương” ra sao? Thì đây, hạt thóc-ý thơ hiện lên với bao điều lý thú và cao đẹp được nhà thơ Kim Chuông vừa viết tặng cho các em: Bài thơ “Hạt thóc”.

Bài thơ nói về quá trình phát triển của hạt thóc từ lúc bắt đầu tượng hình non xanh cho đến khi chín thành từng hạt, từng hạt mẩy vàng. Từ hạt thóc, hạt vàng này lại nảy thành mầm mạ tươi xanh lại hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu… Cứ thế, cứ thế, từ đời này sang đời khác, hạt thóc cùng đổ mồ hôi, cùng sinh sôi nảy nở làm bạn với con người, thủy chung và nuôi dưỡng con người. Trên đời này, có gì quý hơn hạt thóc, hạt gạo! Đâu phải ngẫu nhiên Vua Hùng chọn Lang Liêu, người con biết trân quý hạt gạo làm ra bánh chưng thơm ngon ý nghĩa, được nối ngôi cha?

Tự ngàn xưa, ai đã cất lên câu ca: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần…”. Cha ông ta trân trọng hạt cơm, hạt gạo biết chừng nào mới đúc kết nên câu ca dao ân tình, sâu xa ấy. Bởi vậy, nhiều người còn đặt tên cho hạt thóc bằng một cái tên đẹp, cao quý khác là hạt ngọc.

Bài thơ thuộc thể thơ lục bát thân thuộc, vần điệu quấn quyện, tác giả sử dụng biện pháp tu từ thật đắc địa. Phép nhân hóa phù hợp nhất với tuổi thơ (tác giả tâm sự)? Đúng rồi! Thì đây, hạt thóc cũng giống như con người, giống như các cậu bé, cô bé ngoan ngoãn, xinh tươi, mà nhiều khi lại còn nũng nịu nữa đấy. Cậu được hớn hở sung sướng khoe mặc cái áo màu xanh biếc, chẳng bao lâu sau cậu lại được mẹ nuông chiều thay cho cái áo nâu cho ra vẻ giản dị con nhà nông chất phác, hiền lành. Hạnh phúc hơn, cậu bé thóc của chúng ta được yêu thương, chiều chuộng, được người mẹ chắt chiu ôm trọn trong lòng đầy âu yếm, nâng niu: “Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi”. Lúa mẹ chịu thương, chịu khó “dầm mưa dãi nắng”, kiên nhẫn chờ ngày, chờ tháng, chờ năm đặt niềm tin và hy vọng vào “đứa con” yêu quý đến ngày khai hoa, kết trái. Tính cách nhân hậu của mẹ-lúa, cũng chính là tấm lòng nhân ái của con người, người mẹ Việt Nam nhân hậu. Câu thơ “Nứt tung vỏ trấu tách mầm cây non” thật sống động, nêu bật được điều mạnh mẽ, diệu kì của sự sống trường tồn nảy nở, sinh sôi.

Đặc biệt nhất là hai câu kết “Thóc nằm như giấc ngủ ngon/Mà lòng thao thức như con mắt nhìn”. “Thóc nằm” là vật mắt các em nhìn thấy, so sánh với hiện tượng ta không sao nhìn thấy-“ngủ ngon”. Một sự so sánh sáng tạo, độc đáo! Rồi từ “thóc ngủ ngon” câu trên nối sang câu dưới “thao thức như con mắt nhìn”, tác giả tập hợp hai điều trái ngược đi liền nhau “ngủ” và “thức” là một liên tưởng sáng tạo, thú vị!

“Thóc nằm như giấc ngủ ngon/Mà lòng thao thức như con mắt nhìn”. Con mắt nhìn? Thóc nhìn gì các em nhỉ? Phải chăng hạt thóc cũng giống hình con mắt đang nhìn vào hiện tại, nhìn về tương lai? Nhìn vào ta và nhắc nhở chính ta: Hãy quý trọng và đừng lạnh lùng, vô cảm với những người vất vả, cặm cụi “một nắng, hai sương” làm ra hạt ngọc trên đời?…