Ninh Thuận với góc nhìn địa văn hóa

(NTO) Lý thuyết địa văn hóa, địa kinh tế đã xuất hiện từ vài trăm năm nay. Lý thuyết này coi trọng vai trò của điều kiện địa lý, khí hậu trong việc hình thành nền kinh tế-văn hóa của mỗi vùng, mỗi dân tộc. Các nhà khoa học đều xuất phát từ điều kiện địa lý, khí hậu khi nghiên cứu về sắc thái văn hóa và sự phát triển kinh tế của mỗi vùng, xứ, tỉnh, hoặc một tộc người.

Ninh Thuận là một tỉnh có nhiều nét đặc thù. Có cả đặc thù về điều kiện tự nhiên sinh thái và đặc thù về xã hội nhân văn.

Trước hết là về điều kiện tự nhiên sinh thái. Theo Nhà địa lý học Dufeil thì Ninh Thuận là “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á Châu”. Ninh Thuận được bao bọc 3/4 lãnh thổ bởi những dãy núi cao, như những chiếc bình phong chắn những luồng gió mùa Đông-Bắc và Tây-Nam mang mây và mưa tới vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Vì vậy, vùng trời Ninh Thuận luôn trong xanh, nắng chói chang và có lượng mưa thấp nhất toàn quốc, mỗi năm chỉ có trên dưới 50 ngày mưa, lượng mưa bình quân hàng năm chỉ khoảng trên dưới 700mm (trong khi đó, lượng mưa bình quân của Nha Trang là 1.356mm, ở Phan Thiết là 1.187mm).

Đường ven biển đoạn Bình Tiên- Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Văn Hùng

Ngược lại, những khe núi hẹp và cửa biển hẹp lại hình thành nên cái “phễu đón gió”, tạo điều kiện cho những luồng gió biển thổi mạnh vào lòng chảo Ninh Thuận, cộng với khí hậu khô nóng nên về mùa khô, cả vùng Ninh Thuận gió cát mịt mù trên những cánh đồng khô hạn, nắng cháy như sa mạc. Tuy lượng mưa ít nhất toàn quốc, nhưng cá biệt có những năm, khi thổi qua biển Việt Nam, một phần gió mạnh mang mưa ghé vào cửa biển Ninh Thuận gây ra mưa rất lớn, nước sông dâng cao, cộng thêm lũ từ trên cao nguyên Lâm Đồng đổ về gây ra lũ quét. Do sông ngắn, thác cao nên những cơn lũ không những không bồi đắp phù sa, mà còn cào đi lớp phù sa ít ỏi của đồng bằng Ninh Thuận đổ ra biển, chỉ để lại hai bên bờ sông, bờ biển những cồn cát trắng. Những con sông ở Ninh Thuận quanh năm cạn nước, nhưng khi mùa lũ về lại trở thành con lũ cuốn phăng tất cả mọi thứ ở hai bên bờ. Một bên núi quá cao, một bên biển quá sâu nên về địa văn hoá, âm dương khó giao hòa, tạo nên sự khắc nghiệt. Trong khi ở Đà Lạt rất mát mẻ, mưa nhiều và ẩm ướt thì ở Phan Rang lại rất khô nóng. Các nhà địa lý học đều cho rằng, từ Cam Ranh đến Cà Ná, khí hậu ẩm ướt gió mùa đã bị thay thế bởi khí hậu nhiệt đới khô, tính theo thảm thực vật, có thể gọi đây là vùng có khí hậu xavan (savana), là điển hình của “lỗ hổng hư không khí hậu”.

Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 được đánh giá là một trong những bản quy hoạch có chất lượng nhất. Tuy nhiên, trong bản quy hoạch này cũng chưa đánh giá hết những tiềm năng, lợi thế cũng như những hạn chế của đặc trưng địa kinh tế-địa văn hóa của vùng đất này.

Với điều kiện khí hậu thường xuyên thiếu nước. Do không chủ động nước, việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước, gặp rất nhiều khó khăn. Hai năm trở lại đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã dần lộ diện. Ninh Thuận bị hán hạn nặng. Việc người nông dân nai lưng ra trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế rất thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, vi lượng chất đất, nguồn nước là cấp bách. Với khí hậu sa thảo đặc thù, Ninh Thuận có những loài cây, con thích hợp như trồng bông, nho, hành, tỏi, nuôi bò, dê, cừu và có thể có nhiều loài cây, con khác thích hợp với kiểu khí hậu này mà chúng ta chưa khám phá hết. Theo một số nhà đầu tư, Ninh Thuận có khí hậu rất phù hợp với ngành nuôi bò sữa vì có điều kiện trồng các loại cỏ. Đặc biệt là các loại bắp được trồng ở vùng miền núi. Bắp non là loại thức ăn bò sữa rất ưa chuộng và cho chất lượng và sản lượng sữa rất tốt. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các dự án nuôi bò sữa theo hướng trang trại, công nghiệp như Vinamil, Thông Thuận...

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước). Ảnh: V.M

Những năm gần đây, nhận thức rõ vài trò của thủy lợi với sự phát triển nông nghiệp của địa phương, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Giang, hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu và công trình thế kỷ hồ Tân Mỹ. Như vậy, chỉ trong một thời gian không lâu nữa, Ninh Thuận sẽ giải quyết được vấn đề nước tưới cho nông nghiệp. Hy vọng rằng, Ninh Thuận sẽ không còn là một vùng khô nóng như sa mạc nữa.

Ninh Thuận có bờ biển dài 105km, có nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đá gra-nit nhoài ra tận biển, tạo nên những vũng, vịnh, cồn, đẹp về du lịch, thuận về việc xây dựng cảng và nơi neo đậu của tàu thuyền. Đây là một nguồn lực tài nguyên vô giá mà Ninh Thuận mới chỉ bắt đầu khai phá. Vùng biển Nam Trung Bộ là vùng biển sâu, nước biển luôn trong xanh và độ mặn cao, nhiều hải sản quý. Việc Ninh Thuận chọn phát triển du lịch và phát triển kinh tế thủy sản, công nghiệp muối và công nghiệp sau muối, xây dựng cảng nước sâu là những tư duy thông minh. Con đường ven biển 116km mới hoàn thành-một trong đoạn đường ven biển đẹp nhất khu vực Asean-là bước đột phá có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, mà cả lĩnh vực kinh tế biển mà trọng tâm là phát triển du lịch.

Ninh Thuận còn là một mỏ đá gra-nit lộ thiên có trữ lượng cao nhất ở Việt Nam. Khai thác các núi đá gra-nit không chỉ cho ta nguồn lợi về kinh tế mà còn có thể làm thay đổi môi trường khí hậu khi loại bỏ dần những bức bình phong chắn những luồng gió mang mây mưa tới vùng lòng chảo Ninh Thuận.

Lý thuyết phát triển ngày nay cho rằng, muốn phát triển, phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Ninh Thuận cũng đang xây dựng các khu công nghiệp và trải thảm đỏ để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhưng do điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp khó khăn, nên các nhà đầu tư khu công nghiệp chưa dám bứt phá đầu tư hạ tầng.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhiều địa phương, nhiều vùng đã quá chú trọng đến vấn đề tăng trưởng mà sao lãng việc giữ gìn môi trường sinh thái và văn hoá. Ninh Thuận có thuận lợi là một trong những địa phương đi sau, có thể rút kinh nghiệm của những địa phương đi trước để tránh được những hậu quả nảy sinh từ mặt trái của sự phát triển.

Ninh Thuận cũng là địa phương có nhiều nét đặc thù về xã hội nhân văn. Tuy còn nghèo về kinh tế nhưng lại giàu về sắc thái văn hoá của các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa… mà trong một bài viết nhỏ không thể đề cập hết được. Những sắc màu văn hóa này sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế (nhất là du lịch văn hóa) nếu như biết bảo tồn và khai thác.

Một vài nét về địa văn hóa, địa kinh tế trên đây chỉ là những điều kiện mang tính khách quan, có tính chất tham khảo. Vấn đề phát triển như thế nào, tốc độ, sự bền vững trong phát triển phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực con người. Cư dân Ninh Thuận từ bao đời nay gắn với sản xuất nông nghiệp trong những điều kiện khó khăn, việc còn mang trong mình nếp tư duy tiểu nông là điều tất yếu. Nhưng con người Ninh Thuận vốn cần cù, chịu khó, trọng nghĩa tình, đạo lý. Học sinh, sinh viên Ninh Thuận hiếu học và học giỏi, đặc biệt là thích ứng nhanh với cái mới. Hy vọng rằng, với tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các quyết sách của Hội đồng nhân dân về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2016-2020, Ninh Thuận sẽ cùng đồng hành với cả nước phát triển nhanh, bền vững.