Tháo tấm chống lóa băng qua đường, nguy hiểm rình rập!

(NTO) Thời gian qua, tại một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, xuất hiện tình trạng người dân tháo dỡ tấm chống lóa, băng qua đường rất nguy hiểm.

Có mặt tại khu vực Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải (Ninh Hải), chúng tôi quan sát tại đây có hàng chục tấm chống lóa đã bị người dân tự ý tháo dỡ. Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, phóng viên đã ghi nhận rất nhiều trường hợp băng qua đường tại những địa điểm này, bất chấp lượng xe cộ lưu thông tấp nập. Theo người dân tại đây cho biết, để qua đường thuận tiện, nhanh chóng thì phải đi tắt như vậy, nếu như đi đường vòng qua dải phân cách thì khá xa, rất bất tiện. “Nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng các cháu học sinh Trường TH Lương Cách, cơ sở thôn Đá Bắn hàng ngày vẫn đi học và ra về băng qua đường tại các điểm có tấm chống lóa bị tháo dỡ, trong khi các phương tiện giao thông chạy với tốc độ rất cao, chỉ sơ xảy một chút là có thể xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) bất cứ lúc nào” - anh Lê Văn Huy, người dân sinh sống bên đường lo lắng.

Học sinh băng qua đường từ dải phân cách, tấm chống lóa bị tháo dỡ rất nguy hiểm.

Tương tự, trên Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), tình trạng tháo dỡ tấm chống lóa cũng diễn ra, có tấm thì người dân tháo rồi treo ngay bên cạnh, có tấm thì đã bị mang đi đâu không rõ. Theo người dân tại khu vực này cho biết, các tấm chống lóa ở đây đã bị tháo dỡ từ lúc mới được lắp đặt. Do tại đây đông dân cư, nên việc băng qua dải phân cách thường xuyên diễn ra, sẽ rất nguy hiểm nếu như lái xe sơ xảy hoặc người dân bị trượt chân ngã là có thể xảy ra TNGT.

Trao đổi với ông Phạm Thế Chỉnh, Giám đốc điều hành Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận xung quanh vấn đề này, ông Chỉnh cho hay: Trước tình trạng người dân tháo dỡ tấm chống lóa, thời gian qua, đơn vị phải thường xuyên lắp đặt lại, nhưng cứ lắp hôm trước, hôm sau người dân lại tháo ra. Nhiều tấm đến nay đã bị mất, đơn vị cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và Công an tỉnh có biện pháp xử lý và ngăn chặn tình trạng này. “Không có tấm chống lóa sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các lái xe và cả người dân”- Ông Chỉnh cho biết.

Qua tìm hiểu, hầu hết người dân sinh sống 2 bên đường cho rằng, do khoảng cách đến các điểm mở của dải phân cách khá xa nên rất bất tiện cho việc đi lại giữa hai bên đường, do đó mới xảy ra tình trạng trên. Theo lãnh đạo Sở GTVT cho biết, qua khảo sát thực tế, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh hợp lý các vị trí mở dải phân cách trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Mới đây, Bộ cũng đã có văn bản trả lời, theo đó, các đoạn quốc lộ ngoài khu vực đô thị, đông dân cư thì khoảng cách giữa các điểm ngắt dải phân cách tối thiểu là 1 km; các đoạn qua khu vực đô thị và đông dân cư đã được Bộ GTVT bố trí khoảng cách giữa các điểm ngắt dải phân cách nhỏ hơn 500 m. Riêng một số đoạn cá biệt ở khu vực đông dân cư, trường học, chợ… nằm trên đường cong bán kính nhỏ (bán kính R<600 m) hay quá gần vị trí giao cắt đường ngang bắt buộc phải bố trí ngắt dải phân cách thì không thể được bố trí ngắt dải phân cách vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người dân sống hai bên Quốc lộ 1 nâng cao hiểu biết, góp phần hạn chế các vi phạm, tránh để các TNGT đáng tiếc xảy ra.

Thuận Nam: Tình hình TNGT giảm

Trong quý I-2016, trên địa bàn huyện Thuận Nam xảy ra 6 vụ va chạm giao thông, thiệt hại tài sản khoảng 4,4 triệu đồng, so với cùng kỳ giảm về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đã tổ chức 104 ca tuần tra kiểm soát, với 581 cán bộ chiến sĩ tham gia, lập biên bản 244 trường hợp, xử phạt 259 trường hợp vi phạm. Ban An toàn giao thông huyện phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức tốt công tác tuyên truyền pháp luật về Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú.

Trong quý II, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến với người dân. Khắc phục các điểm đen thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường…