Cán bộ khuyến nông sát cánh cùng nông dân ứng phó với hạn hán

(NTO) Từ đầu vụ đông-xuân 2015-2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phương pháp canh tác các loại cây trồng cạn ứng phó với hạn hán theo kế hoạch chuyển đổi của tỉnh. Hoạt động thiết thực của đơn vị đã góp phần đem lại màu xanh trên những vùng đất khát.

Lớp học tại đồng ruộng

Biết tin đơn vị chức năng mở lớp tập huấn canh tác cây trồng cạn, anh Bay Thanh Nếu ở thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) cùng bà con thôn xóm ra đồng từ sáng sớm để nghe cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách trồng cây đậu xanh theo phương pháp mới.

Là nông dân trồng lúa lâu năm, trước đây 3 sào ruộng “ăn nước” hồ Phước Trung, mỗi năm anh Nếu canh tác 3 vụ, nhưng từ năm cuối năm 2014 đến nay, hạn hán nên phải ngưng sản xuất lúa. “Tôi đã nghĩ đến chuyện trồng cây đậu xanh, nhưng đang phân vân vì lo không đủ nước tưới. Qua tham dự lớp tập huấn, mới biết trồng cây đậu xanh không cần nhiều nước, nên mạnh dạn đầu tư sản xuất” - anh Nếu nói. Cách canh tác cây đậu xanh của nông dân hiện nay là “cày đất-rạch hàng-lên luống- trỉa hạt”, tiết kiệm được khoảng 30% lượng nước so với phương pháp “cày-sạ-rạch hàng” trước đây. Với cách làm này đạt hiệu quả cao, đến nay, 110ha đất lúa ở xã Mỹ Sơn chuyển qua trồng cây đậu xanh đã đến kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp đôi so với trồng lúa.

 
Cán bộ khuyến nông tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây đậu xanh trên đất lúa ở huyện Ninh Phước.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cây trồng theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông-xuân 2015-2016, trung tâm đã tổ chức 16 lớp tập huấn với 608 nông dân tham gia tiếp nhận những tiến bộ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, theo dõi tình hình sinh trưởng và công tác điều tiết nước hợp lý. Hoạt động của trung tâm đã tạo được bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, nông dân chưa coi trọng đối tượng cây trồng cạn, canh tác nhỏ lẻ, đến nay nhận thức của bà con được nâng cao, xuống giống tập trung, đồng loạt trên một xứ đồng, sử dụng đồng bộ nguồn giống (chủ yếu hai loại giống cây trồng chịu hạn: Bắp lai đơn VN 8960 và đậu xanh ĐX 208), nên tạo thuận lợi trong khâu chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, năng suất đạt cao.

Sát cánh cùng nông dân vượt qua hạn hán

Đứng trước tình hình hạn hán, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã khẳng định được vai trò của mình trong công tác chuyển giao các mô hình mới, góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Chuyến tác nghiệp về xã Mỹ Sơn, chúng tôi đi qua cánh đồng đậu xanh ở thôn Mỹ Hiệp, hỏi chuyện đồng áng được biết, bà con có thành quả như hôm nay nhờ sự đóng góp lớn của cán bộ khuyến nông. Suốt cả mùa vụ, các anh luôn có mặt trên đồng ruộng chỉ dẫn nông dân chăm sóc cây trồng bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, do đó các hộ biết cách trỉa hạt theo hàng, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm đảm bảo đủ độ ẩm cho cây trồng phát triển. Thông qua hoạt động khuyến nông, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu như Kỹ sư cây trồng Phan Minh Hòa (Trạm Khuyến nông Ninh Sơn) đã sát cánh cùng nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán.

Chưa có vụ mùa nào, cán bộ khuyến nông lại “vào cuộc” giúp dân với khí thế hăng say như hiện nay. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện đến từng thôn tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng cho nông dân, giúp họ an tâm thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn. Đồng chí Ngụy Công Khánh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam, cho biết: Trước đây, nhận thức của nông dân trên địa bàn thiếu đồng đều, dẫn đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Đến vụ vụ đông-xuân này, thực hiện phương châm bám sát đồng ruộng, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng cạn đúng theo kế hoạch; đồng thời, chủ động tham gia phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Tin cho biết thêm, trước tình hình hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt như hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao mô hình mới ở vụ hè-thu. Dự kiến triển khai thí điểm 20ha mô hình mè đen, loại cây trồng ít sử dựng nước hơn so với cây đậu xanh và bắp. Mô hình sẽ được nhân rộng trên quy mô lớn vào những năm tới để tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng yêu cầu bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp.