Doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

(NTO) Tỉnh ta hiện có 2.115 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký trên 14.420 tỷ đồng. Nhìn chung, trong 5 năm qua, các DN hoạt động khá ổn định, ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Vai trò doanh nghiệp ngày càng được khẳng định

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển. Đặc biệt, từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2005 ra đời và được sửa đổi vào năm 2014, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng thì hoạt động của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2011-2015, toàn tỉnh có 1.080 DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới, với tổng vốn trên 7.260 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, có 330 DN đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký trên 1.241 tỷ đồng, tăng 29% số DN và tăng 38% số vốn so với năm 2014, góp phần nâng tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế của tỉnh là 2.132 tỷ đồng.

 
Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.
Lễ tôn vinh DN, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận được tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần và đây là lần thứ II tỉnh ta tổ chức sự kiện này. Trong dịp này, có 45 DN và 45 doanh nhân xuất sắc tiêu biểu trong giai đoạn 2013 – 2015 được tôn vinh; trong đó có 9 DN, 10 doanh nhân được tặng Cúp; 11 DN, 8 doanh nhân được tặng bằng khen; 44 DN và 44 doanh nhân được tặng bằng khen năm 2015. Đây là những DN, doanh nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và tham gia thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội của địa phương.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Điểm đáng chú ý của cộng đồng DN tỉnh ta trong những năm gần đây là tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, có một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủy sản đã phát huy năng lực sản xuất mới, đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Không những vậy, trung bình mỗi năm, các DN còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm khoảng trên 65% phần thu nội địa và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 3.700 lao động trong tỉnh.

Ngoài những đóng góp kể trên, hàng năm cộng đồng DN, doanh nhân trong tỉnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội địa phương. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, vai trò của DN ngày càng được thể hiện khá rõ. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có 20 DN đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các sản phẩm đặc thù của tỉnh, như: Nho, táo, hành, tỏi, nước mắm, thịt dê, thịt cừu... Bên cạnh đó, các DN còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng... để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng..., góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ nhiều mặt

Với mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng số DN tỉnh ta lên khoảng 3.500 – 4.000 DN, bình quân mỗi năm có từ 13-15% DN đăng ký thành lập mới. Tỷ lệ thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DN chiếm khoảng 68-70% trên tổng số thu nội địa. Tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28 – 30% trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) và các DN tạo việc làm mới cho khoảng 10% tổng số lao động trong toàn tỉnh. Cuối tháng 5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND về việc hỗ trợ DN giai đoạn 2016 – 2020, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nội dung của kế hoạch tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DN; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận về tín dụng, khoa học-công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển DN khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức giúp DN phát triển.

 
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú vào ca sản xuất. Ảnh: V.M

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, theo đồng chí Phạm Đồng, tỉnh xác định trước hết phải quan tâm rà soát và thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho DN. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, để siết chặt kỷ luật trách nhiệm, đưa DN vào một trật tự hoạt động mới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đồng hành, chia sẻ và tạo mọi thuận lợi trong điều kiện có thể, như: Thực hiện chính sách hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-DN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực đất đai, thuế..., nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn. Phấn đấu trong giai đoạn 2016 – 2020 có khoảng 1.000 DN được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình trợ giúp tài chính, đào tạo nguồn lực; 20% DN được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và có khoảng 500 DN được tham gia các chương trình hỗ trợ về khoa học-công nghệ và dự án nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.Ảnh: VM

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương, tỉnh cũng khuyến khích cộng đồng DN, doanh nhân cần xác định đúng vị trí, vai trò, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động... Ngoài ra, các DN cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.