Vấn đề hôm nay:

Thay đổi thói quen tiêu dùng!

(NTO) Cuộc vận động (CVĐ)“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hay “Tôn vinh hàng Việt” thời gian qua đã được các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều việc làm, hoạt động thiết thực để tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng cho CVĐ như: Phát động thi đua thực hiện CVĐ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các buổi sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…để người tiêu dùng biết, hiểu và đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đồng thời vận động người tiêu dùng mua, sử dụng hàng Việt. Mặt khác, các tổ chức khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong khi mua sắm vật tư thiết bị để thực hiện dự án công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ được sản xuất trong nước…Thường xuyên vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa, nhà phân phối và dịch vụ tại địa phương cam kết và thực hiện trách nhiệm sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng…của người tiêu dùng.

Người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối xây dựng mạng lưới bán lẻ hàng hóa đến các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; vận động các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của địa phương và quốc gia cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Không những vậy, còn tăng cường thực hiện việc giám sát những hành vi gian lận làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng…

Có thể nói, bằng những nỗ lực như đã nêu từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa trong không ít tổ chức và người dân, ngày càng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Chỉ tính riêng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, năm 2015 đã duyệt chi mua sắm hàng hóa trang thiết bị sản xuất trong nước với tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Ngay như trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, tại các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp lớn… có đến trên 80% là hàng Việt được bày bán và đa số người tiêu dùng trên địa bàn khi được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa nội địa và tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam. Đặc biệt, người tiêu dùng đã từng bước nói không với hàng ngoại kém chất lượng, không còn mặn mà với những loại hàng giá rẻ, hàng trôi nổi như trước đây…

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế như: chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên sức lan tỏa của CVĐ chưa cao; việc tuyên truyền có lúc, có nơi chỉ tập trung vào một thời điểm rồi sau đó lại lắng xuống; phương pháp tuyên truyền còn khô cứng, nội dung đơn điệu… Một số hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước không bảo đảm chất lượng, giá cả còn cao, mẫu mã còn đơn điệu… chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Không những vậy, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tràn lan trên thị trường nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả… cũng làm cho người tiêu dùng lo ngại…

Để thực hiện tốt CVĐ trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh cần nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong việc tiêu dùng hàng hóa trong nước, trong tỉnh; các doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ gắn với đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá để tạo lòng tin ngày càng vững chắc của người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nâng cao chất lượng CVĐ cũng là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn mới.