Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

(NTO) Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng cơ hội này, nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh, sử dụng các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng nhằm tăng lợi nhuận, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều cơ sở vi phạm

Vừa qua, chúng tôi có dịp theo chân đoàn thanh tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra tại 15 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, sản xuất nước đá ống, cà phê bột, nước giải khát và 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thì có đến 11 cơ sở chưa chấp hành các quy định. Các vi phạm tập trung vào các điểm như: Không có giấy chứng nhận ATVSTP; không thực hiện đúng quy trình 1 chiều trong sản xuất, chế biến; nhân viên sản xuất, chế biến thực phẩm không có giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy chứng nhận kiến thức về ATVSTP, không được trang bị bảo hộ lao động, không mang tạp dề, găng tay khi làm việc; khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm vệ sinh... Một số cơ sở dịch vụ ăn uống không có hợp đồng mua nguyên liệu thực phẩm, cá biệt có cơ sở sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thực phẩm không có giấy công bố phù hợp quy định ATTP và buộc phải tiêu hủy tại chỗ. Ngoài ra, đoàn đã yêu cầu 1 cơ sở sản xuất nước đá ống và 1 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai ngưng hoạt động vì không đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh.

 
Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, nước uống của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn cũng đã nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở khắc phục những vi phạm. Ông Trần Mạnh Tường, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết: Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, đoàn sẽ tổ chức họp và đưa ra mức xử lý phù hợp cho từng cơ sở vi phạm nhằm răn đe, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATVSTP cho các cơ sở.

Nguy cơ từ chợ

Ghi nhận tại các chợ, đến thời điểm này cũng đã bày bán nhiều loại thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Sôi động nhất là tại các gian hàng bánh, mứt, kẹo… Tuy nhiên, cùng với sự phong phú về chủng loại, mẫu mã, các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng rất nhiều, nhất là đối với các loại mứt. Qua quan sát, mỗi loại bánh, kẹo, mứt đều được đổ ra bày bán trong một thùng giấy, trong số đó nhiều loại không có bất cứ thông tin gì về sản phẩm như nơi sản xuất, hạn sử dụng… Khi được hỏi tại sao bày bán sản phẩm không có bao bì, nhãn mác…, các chủ hàng đều cho biết, hầu hết các loại bánh mứt đều được sản xuất ở các tỉnh khác, do số lượng hàng nhập về lớn nên chủ cơ sở không đóng bao bì mà đóng thùng giấy lớn từ 5-10kg, mọi thông tin về sản phẩm đều được in trên thùng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trên thùng mặc dù có ghi tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, tuy nhiên lại không có thông tin công bố như thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng… theo quy định. Cá biệt có một số mặt hàng như me ngâm đường, bánh lỗ tai, thèo lèo, nui chiên, bánh cốm… không hề có bao bì, nhãn mác hay bất cứ thông tin gì về sản phẩm. Các chủ gian hàng cho biết, các loại mặt hàng này chủ yếu sản xuất trong tỉnh, tại các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên không được đóng bao bì. Với ưu điểm giá rẻ, hương vị lạ, dễ ăn nên những loại thực phẩm này rất được nhiều người mua, số lượng bán ra cũng khá lớn. Nhiều loại bánh, kẹo, mặc dù có bao bì, nhãn mác, tuy nhiên khi được bày bán đều bị xé bỏ hết bao bì. Điều này khiến người tiêu dùng rất băn khoăn khi lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Mai, một khách hàng, chia sẻ: Các mặt hàng đều in chữ tiếng Việt mình cũng thấy yên tâm đôi chút vì không phải là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, bánh kẹo bị xé bỏ hết bao bì thế này làm sao biết hàng có chắc chắn là hàng mới hay không! Nhiều loại mứt cũng không có nhãn mác. Biết vậy nhưng vẫn chọn mua một vài loại, gọi là cho có hương vị Tết.

Không chỉ đối với các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, nhiều mặt hàng khác như bò khô, mực khô, nem, chả hầu như không có thông tin về cơ sở, ngày sản xuất, hạn sử dụng… nguy cơ hàng kém chất lượng, mất ATVSTP là rất cao.

Mặc dù trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc thực hiện ATVSTP, tuy nhiên với lượng hàng hóa và mức tiêu thụ quá lớn, công tác quản lý của ngành chức năng cũng chỉ đáp ứng phần nào. Do đó, tốt nhất người dân phải ý thức, biết lựa chọn thực phẩm chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.