Nhanh chóng đưa Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp đi vào hoạt động ổn định

(NTO) Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai từ hai cấp thành một cấp, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT về một số nội dung liên quan.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn
Giám đốc Sở TN&MT

Phóng viên: Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Việc thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT, được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 481/QĐ-UBND, ngày 2-12-2015. Văn phòng này, được hình thành trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở TN&MT tỉnh và các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT các huyện, thành phố. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, có các chức năng cụ thể, như: Thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Văn phòng có tư cách pháp nhân, con dấu riêng. Trụ sở làm việc đặt tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Mỹ Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm (nằm trong trụ sở làm việc của Sở TN&MT). Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận còn có các Chi nhánh đặt tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, trách nhiệm của Sở TN&MT cũng như các địa phương trong việc thực hiện Quyết định của UBND tỉnh ra sao và đã tiến hành đến đâu?

Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Để Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận sớm ổn định, đi vào họat động, Sở TN&MT đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định trên rất cụ thể:

Thứ nhất, về công tác tổ chức: Đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận. Chỉ đạo Văn phòng Sở, Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ và trình UBND tỉnh bổ nhiệm các chức danh giám đốc, các phó giám đốc của Văn phòng. Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận thực hiện quy trình bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc chi nhánh tại các huyện, thành phố theo quy định; thực hiện việc đăng ký con dấu, đăng ký mẫu chữ ký, mẫu con dấu, đăng ký tài khoản… cho Văn phòng và tất cả các chi nhánh theo quy định. Đặc biệt, vào ngày 30-1-2016, Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận đã tổ chức xong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Như vậy, có thể nói đến nay, công việc này đã cơ bản hoàn tất.

Thứ hai, về công tác chuyên môn: Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký Đất đai với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh” và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 93/2015/QĐ-UBND ngày 21-12-2015. Ngoài ra, để rút ngắn thời gian, kinh phí chuyển giao hồ sơ từ các chi nhánh về Văn phòng để giải quyết theo quy định (kiểm tra, ký duyệt hoặc trình Giám đốc Sở ký theo thẩm quyền), Sở đã xây dựng Dự án nâng cấp hạ tầng hệ thống thông tin của Sở, mở rộng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản trên phần mềm điện tử TDoffice phục vụ cho việc luân chuyển hồ sơ từ các Chi nhánh lên Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận. Đến nay, việc luân chuyển hồ sơ từ các chi nhánh lên Văn phòng bước đầu đã ổn định, tuy nhiên do hạ tầng hệ thống thông tin (hệ thống máy chủ) chưa được nâng cấp, nên việc chuyển tải thông tin còn chậm.

Về chuyển giao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất: Hiện nay, Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh để chuyển phát trong ngày đối với Giấy chứng nhận đã ký cấp đến từng Chi nhánh. Riêng, đối với các chi nhánh gần, như: Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Hải... kết quả giải quyết sẽ được giao trực tiếp cho chi nhánh hàng ngày nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian giải quyết thủ tục tại cơ sở.

Phóng viên: Theo đồng chí, khi Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp đi vào hoạt động, sẽ có thuận lợi, khó khăn gì không? Tính hiệu quả ra sao so với nhiều cấp trước đây?

Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Về thuận lợi: Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trên toàn tỉnh, khắc phục được những chồng chéo, bất cập mà trước đây tại cơ sở còn mắc phải. Đồng thời, việc quán triệt, chỉ đạo các chủ trương, các văn bản của các bộ, ngành, của tỉnh được thống nhất. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý: chi nhánh kiểm tra, đề xuất; Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận tiếp tục kiểm tra, phúc tra trước khi trình giải quyết. Những vướng mắc tại cơ sở được phản ánh trực tiếp và được Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận trực tiếp giải quyết, tháo gỡ kịp thời (trước đây Văn phòng cấp huyện phải báo cáo Phòng TN&MT để xin ý kiến của UBND cấp huyện hoặc có văn bản hỏi, xin ý kiến của sở). Cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính được cập nhật kịp thời tại một đầu mối, qua đó hồ sơ, cơ sở dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời, đúng với hiện trạng. Các biến động về đất đai được quản lý chặt chẽ, đầy đủ, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng trong quản lý, khai thác hồ sơ, tư liệu, dữ liệu địa chính; tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách, cho xã hội.

Tuy nhiên, do đây là mô hình mới lại là lĩnh vực rất phức tạp, nên bên cạnh những thuận lợi nói trên vẫn còn không ít khó khăn, đó là: Tất cả các chi nhánh và Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận hiện nay còn thiếu trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là thiếu các trang thiết bị công nghệ cao (như máy in khổ lớn, máy scan khổ lớn; máy tính, máy photo, máy in, máy đo đạc…) và trang thiết bị không đồng bộ. Để vận hành một cách thống nhất qua môi trường điện tử và áp dụng các phần mềm chuyên dụng, phải đầu tư bổ sung các trang thiết bị, nhưng chưa được đầu tư để mua sắm.

Về cơ sở vật chất: Hiện nay, trụ sở làm việc của Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận và các chi nhánh rất chật chội, hầu hết đang sử dụng chung nhà làm việc với các cơ quan của sở và huyện. Mặc dù UBND các huyện, thành phố đã quan tâm, tạo điều kiện bố trí phòng làm việc cho các chi nhánh, song vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Đặc biệt là tất cả các chi nhánh không có kho lưu trữ riêng trong khi lượng hồ sơ được hình thành trong quản lý đất đai là rất nhiều và không ngừng tăng lên. Tại kho lưu trữ Trung tâm của Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận, đến thời điểm hiện nay đã rất chật chội, với số lượng hồ sơ hình thành như hiện nay (130-150 hồ sơ/ngày), thì áp lực về kho lưu trữ hồ sơ là rất lớn và hồ sơ về đất đai là loại phải lưu trữ vĩnh viễn, do đó đây là khó khăn không nhỏ đối với ngành.

Về hiệu quả, có thể nói Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp đi vào hoạt động sẽ có những ưu điểm như sau:

Thứ nhất: Là mô hình tập trung, thống nhất, do đó việc tổ chức thực hiện văn bản pháp luật được thực hiện một cách thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở, khắc phục được sự chồng chéo, không thống nhất giữa các địa phương trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (đảm bảo thống nhất về công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh).

Thứ hai: Những vấn đề vướng mắc tại cơ sở trước đây chậm được phản ánh, chậm được giải quyết, phải qua nhiều tầng nấc mới được giải quyết thì nay, những vướng mắc này được phản ánh trực tiếp về Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận và được trực tiếp giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết.

Thứ ba: Việc cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai được cập nhật trực tiếp vào Hồ sơ gốc tại Văn phòng Đăng ký Đất đai Ninh Thuận với độ chính xác cao, kịp thời, khắc phục được tối đa những sai sót, chồng chéo, đảm bảo và tạo tiền đề cho việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai từ xã đến tỉnh đến bộ và ngược lại. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong hiện đại hóa cơ sở dữ liệu đất đai của ngành.

Thứ tư: Về mặt thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai: Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp GCN; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN được bảo đảm đúng quy định;

Thứ năm: Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn cho người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại ngày càng chuyên nghiệp; Tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay...

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi này!