Liên kết nhóm trồng táo theo hướng VietGAP ở Khánh Nhơn 1

(NTO) Khánh Nhơn 1 là một trong 6 thôn của xã Nhơn Hải (Ninh Hải) nằm trong vùng hưởng lợi của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN).

Anh Lưu Bình, Trưởng thôn, cho biết: Toàn thôn hiện có 852 hộ, với 3.230 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Do giá trị kinh tế từ nghề làm muối và nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định hơn, nên diện tích đất dành cho canh tác cây trồng của thôn khá hạn hẹp, chỉ khoảng 20ha, chủ yếu là trồng các loại hoa màu và táo. Được sự hỗ trợ của Dự án HTTN và định hướng của Ban phát triển xã, Ban quản lý thôn tiến hành họp dân và thống nhất chọn cây táo làm chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, sau đó thành lập 2 nhóm cùng sở thích (NST) trồng táo với hơn 20 hộ dân tham gia. Từ khi các NST đi vào hoạt động đến nay, các hộ thành viên trồng táo đã tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ vật tư nông nghiệp và vốn đầu tư hệ thống nước tưới phục vụ sản xuất.

 
Vườn táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Võ Văn Trung.

Theo nhìn nhận của người dân, trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nông dân phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, tốn nhiều công sức, thời gian, nhưng khi thu hoạch lại bán cho tư thương với giá ngang bằng táo bình thường thì thật “không công bằng”. Thể theo nguyện vọng của bà con và đúng với mục tiêu của Dự án HTTN, Ban phát triển xã Nhơn Hải đã triển khai thực hiện liên kết với một số doanh nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các NST, cũng như mở rộng ra cho nông dân toàn địa phương.

Với NST trồng táo 2, ông Võ Văn Trung, trưởng nhóm, cho hay: Nhóm được thành lập từ tháng 6-2013, có 9 hộ thành viên tham gia, trong đó có 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, còn lại là hộ trung bình; tổng diện tích trồng táo nhóm đăng ký thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP là 0,9ha. Đến tháng 9-2015, từ nguồn tài trợ của Quỹ CDF, nhóm nhận được 51 triệu đồng (giải ngân đợt 1) để thực hiện quy trình trồng táo an toàn, chất lượng.

Ngoài ra, các hộ thành viên còn đóng góp 9 triệu đồng tiền mặt và phần đóng góp bằng hiện vật là máy bơm phục vụ sản xuất. Đến nay, nhóm đã áp dụng quy trình chăm sóc táo theo hướng VietGAP vụ đầu tiên. Ông Trung cho hay: Lợi thế của NST là các hộ thành viên đều đã gắn bó với cây táo lâu năm nên việc áp dụng quy trình mới trồng theo hướng VietGAP không quá khó với bà con. Nay được Dự án HTTN đầu tư ban đầu, bà con có tiền khoan giếng, mua đặt máy bơm nên đã cơ bản giải quyết được cái khó về đầu tư sản xuất. Thêm vào đó, tham gia vào NST, nông dân yên tâm hơn với việc ký hợp đồng với cơ sở thu mua, giải quyết đầu ra ổn định cho cây táo. Hiện nay, nhóm đang khởi động thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Tấn Phượng đóng chân trên địa bàn trong khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trồng táo.

Tuy chỉ mới ở bước khởi động, nhưng sự tác động của Dự án HTTN tỉnh đã mở ra hướng đi hiệu quả cho nghề trồng táo ở thôn Khánh Nhơn 1, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm và xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa NST với doanh nghiệp. Từ đó, vươn tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng táo và phát triển chuỗi giá trị táo của địa phương.