Đi và viết trên những nẻo đường quê hương

(NTO) Khi những cơn gió mạnh "chen" vào Du Long, nơi có địa thế như cái phễu một bên dãy núi Chúa, bên kia dãy núi Đá Mài thổi ào ạt qua vùng đồng bằng Phan Rang là mọi người biết đó là gió của kỳ năm hết tết đến, mai rừng, mai chậu đang chuyển mình để hé nụ tầm xuân. Mà cũng thật là lạ, gió mùa này thật hào phóng lại gặp “cái phễu” Du Long làm tăng vận tốc từ hào phóng lên mức “bão”.

Còn nhớ hồi những năm từ 1984 – 1990, lỵ sở huyện Ninh Hải ở Ba Tháp, mùa gió này không ai có thể đi xe đạp từ Phan Rang ngược ra phía Bắc được, nhưng bù lại là vương quốc của điện gió. Bấy giờ cả nước ta, vùng có điện lưới quốc gia rất ít so với vùng không có điện, đã thế vùng có điện lưới thì thời gian nhà đèn cúp điện nhiều hơn có điện sáng, nên chi rất nhiều gia đình tự chế điện gió rất đơn giản: kiếm bình điện ac-quy, gò hàn 2 cánh quạt sắt gắn trực tiếp đi-na-mo, hoặc dây co-roa truyền động, dựng cây sắt đưa lên cao, gặp gió cánh quạt quay vù vù như diều gặp bão... thế là trong nhà có vài ba bóng đèn “điện gió” nho nhỏ, ánh sáng tỏa ra về đêm sang trọng hơn đèn dầu lửa nhiều.

Tuyến đường ven biển. Ảnh: Đ.Nhi

Năm nay, thực ra khởi điểm là từ những tháng cuối năm 2014 đến tháng 8, 9 năm nay, trên mảnh đất quê hương đã diễn ra hạn hán khốc liệt ở diện rộng, một số vùng là tâm hạn không còn nước uống, sinh hoạt như Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải. Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương trong nước chi viện, chia sẻ với Ninh Thuận, cộng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã giúp cho chúng ta “vượt hạn”, quyết tâm không để dân khát, dân đói vì hạn hán. Ấn tượng nhất là màu đồng phục xanh lục của bộ đội, xanh lam của thanh niên hằng ngày chở nước cứu dân khỏi khát:

“Tôi gặp trên đường sát cánh bên nhau

Những con người đang đến

Những người lính Cụ Hồ, những thanh niên tình nguyện

Cõng nước về với dân

Dòng người đi như thể hành quân

Tôi cứ ngỡ dòng sông đang chảy

Dân làng ơi, nước đã về rồi đấy

Nước của yêu thương, nước của tấm lòng”

(Bài thơ Nước của Kiều Đình Minh).

Còn nhớ năm nào bão lụt và lũ quét, nước dâng ngang bằng mặt đê Phan Rang, mọi người lo lắng cho những vùng tâm bão, tâm lũ, năm nay lại lo cho vùng tâm hạn. Đúng là thiên nhiên, thiên tai, ông trời khi bão lụt, lúc nắng hạn để thử thách con người...

Đến và đi trong 65 xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh, ở đâu cũng thấy nhiều điều. Có điều hoàn tất, có điều chưa xong, nhưng khoản: “điện – đường – trường – trạm” xem như căn bản hoàn thiện. Mừng vì quê hương đã đổi thay, đã phát triển từ bệ phóng có xuất phát điểm không cao lắm. Hồi ức tổng thu ngân sách toàn tỉnh, chúng ta còn nhớ năm 2003 là 142,4 tỷ, năm 2009 là 541 tỷ, năm 2011 là 1.156 tỷ, năm 2015 đã lên con số 1.818 tỷ, đó là một tốc độ “vượt hạn” rất ngoạn mục. Điều chưa yên lòng dân là mức sống đồng bào ở miền núi, ở nông thôn hẻo lánh vẫn còn thấp, vẫn đang là tiêu chí của mục tiêu cháy bỏng trong chương trình lớn: “Xây dựng nông thôn mới”. Mong sao vài ba năm nữa mức sống miền núi ngang mức như đồng bằng hiện nay.

Đi trên những nẻo đường Ninh Thuận với một cảm thức dòng thời gian để kết nối quá khứ với hiện tại, chúng ta mới thấy được những đổi thay ngoài trực quan và trong lòng người. Ví như ngày xưa nói đến Sình, mũi Sừng Trâu, hòn Đá Trứng... ở dọc biển huyện Thuận Nam, chỉ những người cao niên từng chiến đấu ở CK 35 mới biết những địa danh này, và nếu đi từ thôn Sơn Hải thì mất gần ngày đường băng rừng, vượt núi mới đến nơi, nay chỉ 10 phút đi xe Honda, hay đi từ Phú Thọ qua Đông Giang phải lụy con đò nhỏ qua cửa biển sông Dinh, hoặc đi vòng lên An Long vượt cầu xuống đường Tấn Tài... Viết đến đây người Ninh Thuận ai cũng biết là chúng ta đang nói đến tuyến đường ven biển đã xuyên qua nhiều vùng đất, nhiều núi đồi chưa hề có dấu chân người, chưa hề có khái niệm đường giao thông. Để rồi năm nay khánh thành toàn tuyến đường vào ngày kỷ niệm giải phóng quê hương 16 tháng 4; trước đó khánh thành cầu Ninh Chử, sau là cầu An Đông thông xe, kết nối Du Long – Cà Ná chiều dài 106,4km. Nay tuyến đường này trở thành một trong rất ít tuyến đường đẹp nhất của Tổ quốc Việt Nam...

Chuyện thời bao cấp nhiều gia đình ở vùng Ba Tháp đến Du Long tự chế “điện gió” bình điện ac-quy, quạt sắt, đi-na-mo bây giờ đã là chuyện cổ tích của một quá vãng nhiều thiếu thốn, nhưng là một chuyện cổ tích đẹp. Bởi vì chính đó là một di sản ký ức để bây giờ có thể ước vọng nhiều dự án điện gió với những cánh quạt khổng lồ, đi-na-mo tua-bin khổng lồ gắn trên cột tháp cao ngất ngưởng nhằm chinh phục gió trời hào phóng, tạo thêm điện năng sạch cho con người. Ví von như thế là ước lệ, biểu trưng để nói rộng ra, ước vọng chung rằng: Ninh Thuận sẽ có nhiều dự án kinh tế, công nghiệp, thương mại, du lịch lớn được đầu tư để phát triển. Người xưa nói: “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”, nhiều dự án được đầu tư, triển khai, chúng ta sẽ thấy diện mạo kinh tế tỉnh sinh động, linh hoạt, sôi nổi hẳn lên bên cạnh những đồng lúa vàng, vườn nho xanh vốn dĩ tĩnh lặng, thanh bình, chân chất, chúng ta sẽ có thể thấy người người mua ly “cà phê xách tay” vội vã đến công trường, nhà máy, xí nghiệp nhiều hơn người ngồi nhàn nhã, vô tư quanh các quán cà phê trong lòng Phan Rang.

Năm mới khởi đầu bằng mùa xuân, có thể khởi đầu cho mọi ý tưởng, ước mơ. Chúng ta có quyền ước ao, mơ mộng nhiều trên những ý tưởng hiện thực nhất, để khi đi trên những nẻo đường quê hương cảm thấy lòng mình đầy niềm vui và gương mặt mọi người tràn trề hạnh phúc.