Trường Sa: biển, đảo của Tổ quốc

(NTO) “Đến hẹn lại lên”, hằng năm vào dịp giáp Tết, Báo Ninh Thuận đều cử phóng viên tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thăm và mang quà Tết đến với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vững chắc vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc -Trường Sa thân yêu.

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của phóng viên Phan Hiếu gửi về từ Trường Sa trong những ngày chuẩn bị đón Tết, mừng Xuân Bính Thân 2016

Đảo Sinh Tồn. Ảnh: B.B

Mang Tết ra Trường Sa

…Bắt đầu chuyến hải trình, 4 con tàu: HQ 996, HQ 561, HQ 571, HQ 936 đưa quà Tết ra cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa xuất phát theo 3 hướng khác nhau - Cánh Bắc, cánh Nam và cánh giữa. Tàu HQ 996 sẽ đến các đảo phía Bắc: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết; tàu HQ 571 ra các đảo: Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Lữ, An Bang, Thuyền Chài; tàu HQ 936 đến các đảo: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn; tàu HQ 561 đến các đảo: Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông. Mỗi tàu trọng tải trên hàng nghìn tấn đã đầy ắp hàng hoá được chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, mang hơi ấm đất liền ra đảo xa đến với những người con đất Việt kiên trung nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy, Lữ đoàn 146 Trường Sa-Vùng 4 Hải quân, cho biết: “Những chuyến tàu Tết hằng năm không đơn thuần là mang hàng hóa, vật chất mà còn chất chứa những tình cảm yêu thương từ đất liền đến với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quà Tết cho Trường Sa đợt này khá đầy đủ và phong phú, gồm: bánh, mứt tết, các nguyên liệu gói bánh chưng. Trong số đó, không thể thiếu hàng trăm con lợn, gà và hàng nghìn thùng quà Tết do các cơ quan Trung ương và địa phương gửi tặng. Tất cả số quà Tết đều được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phân phối đến từng đơn vị, từng chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa”. Những chuyến tàu còn mang theo niềm hạnh phúc, niềm tin yêu được gửi gắm trong hàng trăm lá thư của gia đình, người thân gửi đến các cán bộ, chiến sỹ vững tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên cùng chuyến tàu HQ 966, chúng tôi gặp rất nhiều lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa, tất cả họ đều ngời lên niềm tự hào khi được góp sức trẻ của mình cho quê hương, đất nước.

Tượng Đức Thánh Trần nơi đảo xa

…Nơi phía Đông của Đảo Song Tử Tây, bên những hàng cây Phong ba là tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tượng vị Thánh giữ nước, một trong những danh tướng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc hướng ra Biển Đông uy nghiêm, oai phong, hòa hợp diệu kỳ với những rặng Phong ba. Tượng làm bằng đá xanh, cao 11m, nặng khoảng 30 tấn, đặt trong khuôn viên rộng trên 600 m2. Công trình được xây dựng với kinh phí 6,5 tỷ đồng, là quà tặng của nhân dân tỉnh Nam Định dành cho Trường Sa thân yêu.

Niềm vui của các thầy giáo khi được dạy học ở Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết: “Bức tượng đã thể hiện tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam. Tượng đặt ở Trường Sa càng có ý nghĩa lớn lao về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong mỗi dịp lễ, tết, dân và quân trên đảo thường đến tượng đài để tưởng nhớ và nhắc nhở nhau về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của cha ông…”

Tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây, dưới Quốc kỳ vinh quang, chúng tôi nghe vang những lời thề sắt son của những chiến sĩ giữ đảo như tạc vào đất trời, sóng biển Trường Sa: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình độc lập, xã hội chủ nghĩa… Dù gian lao, khó khăn cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng… Xin thề! Xin thề! Xin thề!”

Và hãy lắng nghe các chiến sĩ nơi đây cất lên giọng thơ hào hùng:

“Sừng sững hiên ngang một góc trời

Thánh Trần Hưng Đạo giữa trùng khơi

Binh thư Yếu lược truyền con cháu

Đoàn kết vua tôi một tấm lòng

Diên Hồng bô lão đồng thanh “Đánh”

Bạch Đằng vùi xác bọn xâm lăng

Mông Nguyên khiếp đảm ba lần bại

Đại Việt nghìn năm vẹn cõi bờ

Thánh Trần Hưng Đạo trên Song Tử

Uy nghi Đức Thánh dõi trời Nam

Che chở quân dân canh giữ đảo

Xua đuổi quân thù tới Biển Đông”…

“Mắt thần” của Biển Đông

Khi mặt trời dần xuống, đảo Song Tử Tây và cả đảo chìm Đá Nam lại nổi bật, lúc này ngọn hải đăng Song Tử Tây bắt đầu xoay tròn, quét những luồng sáng xung quanh. Men theo và định vị vùng biển nhờ ánh đèn biển Song Tử Tây, những con thuyền neo cạnh vùng san hô đảo Đá Nam bắt đầu vào ca đánh bắt đêm.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 6 giờ chiều, ngọn đèn biển Song Tử Tây lại được thắp lên và tỏa sáng cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại nhà đèn giữa đại dương này, hiện có 5 cán bộ, công nhân kỹ thuật làm việc cần mẫn, chia nhau các ca trực trong suốt 24 giờ để cho ánh sáng ngọn đèn ở độ cao 36 m, vươn xa 20-25 hải lý không bao giờ tắt, cũng như ở các ngọn hải đăng khác trên quần đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ) luôn đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông. Trạm trưởng nhà đèn Song Tử Tây, anh Trần Văn Chiến, cho biết: Ngọn hải đăng Song Tử Tây chiếu sáng xa nhất so với 8 ngọn hải đăng còn lại. Hiện đang chạy bằng năng lượng mặt trời, ban ngày thì ắc-quy tích điện và đêm lại phát. Hải đăng Song Tử Tây được xây dựng từ năm 1993 và từ đó đến nay đã phát huy tốt tác dụng đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại khu vực, giúp tàu thuyền xác định vị trí cũng như báo hiệu cho các tàu tránh bãi đá ngầm và đảo chìm.

Ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, lại xa gia đình thì tin chắc rằng, anh em nơi đây phải có tinh thần trách nhiệm cao mới có thể trụ vững. Anh em nhà đèn Song Tử Tây ngoài làm công tác chuyên môn vẫn thực hiện tăng gia sản xuất, tham gia phong trào của dân và quân trên đảo. Anh em trẻ thì tham gia lực lượng dân quân tự vệ, góp phần đảm bảo an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngọn hải đăng sừng sững hiên ngang đứng giữa biển như những con “mắt thần” để làm người bạn đường cho những con tàu trên biển cả.

… Đã gắn bó 20 năm với ngọn hải đăng Song Tử Tây, ông Bùi Văn Niệm, chia sẻ: “Chính vì hiểu tầm quan trọng của ngọn đèn trên biển nên không chỉ tôi mà tất cả anh em gác đèn biển đều rất yêu nghề, yêu thương nhau như anh em ruột thịt để động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người một việc, việc nào cũng có ích, mỗi người cố gắng một ít sẽ đưa đất nước ngày càng phát triển”.